- Truyện hay về nước "Đại Vệ"...liên tưởng..Entry for January 28, 2009
-
CÂU CHUYỆN SỐ I: Đại Vệ Chí Dị
.
Nước Vệ năm ây mất mùa, kho tàng trống rỗng. Quan lại gia sức vơ vét ngân khố,nhũng nhiễu đòi hối lộ. Nạn cắt xén của công tràn lan. Trong triều người ta công khai mua bán quan chức. Kẻ mua được chức quan lại càng gắng vơ vét để thu hồi vốn. Cứ quanh quẩn như thế tiền công, tiền dân vào hết túi quan tham. Công khố cạn kiệt.
Ở giáp biên giới với nước Tề có chuyện về đất đai. Nước Vệ xưa là chư hầu của Tề. Sau thấy nước khác mạnh hơn quay sang mà bỏ triều cống với Tề. Mấy mươi năm sau, nước Tề hùng cường. Vua quan nước Vệ ríu rít dắt nhau sang chầu phục. Tề Bá Vương căm cái chuyện ngày xưa, ép vua tôi nước Vệ phải cắt đất làm lễ nhận chư hầu.
Vua quan nước Vệ cũng cắt đất thì để xin hòa hiếu. Quần thần nước Tề thấy lấy đất dễ dàng mới tâu với Tề Bá Vương.
- Bọn Vệ vốn giống phản phúc. Mà giống phản phúc thì bạc với người thân tất nhược với người ngoài. Nay chúng dâng đất dễ dàng như thế. Ắt là không còn chỗ bấu víu nữa rồi. Đại Vương nhân cơ hội này mà lấy nốt những đảo và biển của chúng nó. Để lâu giống đó gặp kẻ khác lại nương theo khó mà còn cơ hội.
Tề Bá Vương khen phải, liền triệu vua tôi nước Vệ sang nói.
- Xưa kia lúc tiên đế phải lo nhiều việc, có gửi các ngươi giữ hộ mấy hòn đảo và lãnh hải. Nay thấy các ngươi cũng đã tận tình, gắng giữ gìn. Thời gian lâu cũng mệt mỏi. Xét công lao coi giữ bây lâu có chút lễ vật ban cho các ngươi gọi là thưởng lòng thành. Còn việc trông giữ thì để nước Tề ta làm lại cho đúng phép.
Vệ vương và mấy bầy tôi ở dưới điện mặt mày ngơ ngác. Tề Bá Vương liếc mắt thấy vậy lớn tiếng hô.
- Những kẻ nước Vệ dưới điện kia đều là con cháu trung thần của nước Vệ khi xưa. Đều một lòng với nước Tề. Từ nay trở đi nếu nước Vệ có biến. Nước Tề ta nhất quyết sẽ bảo vệ ngôi vị cho các con cháu trung thần. Thề với trời cao, nếu nước Tề sai lời thì thái miếu không còn mảnh ngói.
Quần thần nước Tề lập tức quỳ xuống, đồng thanh hô lớn.
- Xin thề, xin thề
Tiếng hô vang xa, uy nghi, hùng tráng khiến vua quan nước Vệ xây xẩm mặt mày.Quan tháp tùng Vệ vương là Uông đỡ lấy vua, cáo lỗi khéo với Tề Vương mà dìu vua về quán dịch.
Ở quán dịch, nằm một lát thì Vệ vương tỉnh dậy. Gọi mưu thần đi theo vào hỏi kế sách. Mưu sĩ là Uông nói.
- Giờ thế nước Tề đang mạnh, nước Vệ thì suy. Chi bằng dâng nốt mấy cái đảo ấy cho xong giữ, lấy được thái miếu nước Vệ mà thờ.
Có tiếng quát.
- Hoang đường, sao có thể bầy kế như vậy. Đã nhường đất biến giới là quá lắm rồi.
Vệ Vương cùng mọi người nhìn lại. Thấy đó là đại thần Tấn người phương Nam mới được cất lên làm một trong tứ trụ đại thần, từng đánh trận nhiều năm. Vệ vương hắng giọng e hèm hỏi.
- Này thằng quân y, mày có kế gì hay hơn không ?
Tấn thấy Vệ vương nói vậy, biết trong lòng có bụng khác, đành nhũn mà hỏi cho qua chuyện.
- Nhưng dâng nốt biển như thế, liệu quân lính trong nước có cam chịu không ? Thần từng theo quân Vệ đi trận mạc, biết cái tráng trí của họ lắm. Lại còn cái khí hùng cường của dân Vệ nữa, bọn hủ nho nhân cớ này mà kích động làm loạn. Lắm cái phải lo lắm.
Vệ vương cười nhạt nói.
- Tấn à, triều đình nhớ cái ơn của cha ông mày mà mày có ngày nay. Tài cán gì mà bàn đại sự. Cho mày trông coi triều chính mấy năm mà vật giá tăng vọt, thất nghiệp tràn lan. Tết này người dân tha phương , cầu thực không có nổi cắc bạc để mua nắm hương về cúng gia tiên. Trong triều đã có những người lo hết cái mà mày nói rồi.
Đoạn Vệ Vương quay sang gọi quan thương thư bộ Lễ là Tôn Dưa.
- Dưa này, ngươi nói ta nghe về cái hùng cường của dân Vệ thế nào khi được tin về biển đảo.
Tô Dưa vòng tay đáp.
- Thưa đại vương anh minh , từ khi được chọn thần đã hết lòng , hết sức . Giờ dân Vệ chỉ quan tâm đến rượu ngon, gái đẹp, nhà, xe. Chuyện chính sự chỉ có mấy đứa gàn dở. Thần đã chỉ đạo cho chúng đứa sung quân đội, đứa thì vào viện tâm thần. Thằng thì bỏ nhà lao vì trốn thuế. Tin tức được kiểm soát ngặt. Dẫu có mất cả biển đi nữa dân cũng chả biết.
Vệ vương thở dài nói.
- Âu cũng vì muốn nước Vệ ổn định chính sự mà phải làm điều bất đắc dĩ ấy trong lúc này thôi. Tôn Dưa ngươi làm tốt lắm, xong đợt này ta cho ngươi làm đại thần.
Tấn trong lòng chưa yên, bèn hỏi .
- Thưa đại vương, thế còn quân lính họ nghĩ sao ?
Vệ Vương gọi thượng thư bô binh là Quảng hỏi.
- Thế tráng trí của quân đội nước ta thế nào ?
Quảng vốn to béo, bụng phệ. Loay hoay mãi mới vòng được đôi tay ôm lấy bụng mà tâu.
- Thưa lương bổng vẫn cấp phát đầy đủ, sung túc. Đời sống nâng cao, vợ đẹp, con ngoan . nhà cửa ai cũng có. Lại thêm thắt nguồn thu làm ăn kinh tế. Ai cũng muốn giữ yên ổn cuộc sống yên bình, ổn định thế này thôi. Họ còn thầm cám ơn triều đình đã sáng suốt chọn đường lối ngoại giao ôn hòa. Ngặt một điều mấy năm gần đây kinh tế sa sút nên thu nhập cũng kém đi, sợ kéo dài lâu ngày sinh biến.
Vệ vương quay sang hỏi Tấn.
- Ngươi trong coi ngân khố nước Vệ, sao để quân đội đói kém. Liệu có phải định đẩy họ tới chỗ làm loạn hay sao?
Tấn giờ bị hặc đúng tồi, mặt mày xám ngoét tâu.
- Dạ thưa năm nay mất mùa, làm ăn thất bát là cái khó chung của cả thiên hạ. Thần đã tận dụng hết mọi nguồn thu, loại thuế. Nhưng vẫn còn chưa đủ vì quân lính trong triều từ lâu đã quen hưởng lộc của triều mức cao. Với dân chúng họ còn hơn nhiều chứ ạ.
Vệ Vương đập bàn quát to.
- Láo toét, nước ra rừng vàng, biển bạc, đồng ruộng phì nhiêu mầu mỡ, tài nguyên khoáng sản vô tận. Nhân dân lao động cần cù. Chỉ tại ngươi mà ra nông nỗi này.
Tấn tâu.
- Thưa đại vương tài nguyên có dầu, than đã gán trừ nợ. Đồng ruộng cũng đã bán cho bọn khách thương nước ngoài làm thương điếm. Dân cần cù thì cũng đã tận dụng cho đi làm nô lệ nước ngoài thu ngân sách. Rừng đã đốn hết từ lâu, biển nay quân Tề cho thuyền án ngữ. Thần thấy bó tay rồi.
Vệ vương gắt
- Hết nạc thì vạc đến xương. Không có rừng thì đào đất rừng lên mà bán lấy cái chi dùng.
Quần thần đi theo nghe xong, ai cũng tấm tắc khen Vệ vương thông minh tuyệt đỉnh.
Hôm sau vua quan nước Vệ vào triều kiến Tề Bá Vương. Ra về ai cũng mặt mày nhẹ nhõm. Về đến nước gần năm sau thì ban bố
- Khai thác quặng trên rặng núi phía Tây cao nguyên. Ký kết xong hiệp định biên giới trên tinh thần hữu nghị, công bằng.
. Năm ấy quân lính ăn Tết đầy đủ , vui vẻ. ngoài hải đảo, biên giới bốn phương yên ổn, sóng lặng, gió dừng. Bổ nhiệm thêm quan đại thần nữa là Tôn Dưa coi sóc việc lễ trong thiên hạ, có trách nhiệm phổ biến cho nhân dân học tập đạo đức và lối sống của tiên hoàng.
Khắp nơi nhân dân hoa ca đón chào mùa xuân mới. Cờ hoa ca ngợi ơn đức triều đình rợp khắp phố phường..
.
CÂU CHUYỆN SỐ II: Đại Vệ liệt truyện
Năm Mậu Tí, triều sản, Mạnh vương đời thứ 8.
Lụt ở kinh thành, nước dâng cao đến hàng thước, chết 27 mạng người.
Hàng ngàn người theo đạo kéo về kinh thành đòi đất Thánh.
Trộm cướp hoành hành, kinh tế suy thoái, vật giá leo cao khiến đời sống nhân dân vất vả vô cùng.
Chính sự trong nước có nhiều bất ổn, kể cả ngoại giao bên ngoài.
Mạnh Vương họp quần thần, mời Khổng Tử đến hỏi kế sách ổn định dân tình. Không Tử nói.
- Ổn định đất nước có hai cách. Một là dùng Cường đạo hai là dùng Nhân đạo. Vương muốn cách nào.
Mạnh Vương xuất thân từ người trồng rừng phía mạn ngược, vốn thích nói nhiều , nhưng chỉ nói chung chung. Từ khi lên ngôi không có biện pháp gì rõ ràng để canh tân đất nước. Chỉ ỷ lại vào thiên triều và đám quần thần bảo thủ. Tính không dám quyết, bèn hỏi Khổng Tử.
- Ông nói cho ta nghe thế nào là Cường Đạo, thế nào là Bá Đạo ?
Không Tử thưa.
- Nước Tần thời Ngô Khởi trước kia hay Doanh Chính sau này. Đều lấy binh quyền làm trọng để ổn định đất nước. Đàn áp triệt để những tư tưởng khác biệt bằng mọi hình phạt, thủ đoạn tàn khốc. Không có thế lực nào ngóc lên nổi. Bởi vậy kéo dài được mấy chục năm. Đấy là Cường Đạo.
Mạnh Vương hỏi.
- Theo cách này được không ?
Khổng Tử .
- Nước Tần theo cách ấy, rút cục tồn tại cũng chỉ vài chục năm. Bởi đàn áp lòng dân bằng cường bạo khác nào nắm tay từ tối đến sáng. Khó mà nắm lâu được. Thế nên nước Tần mới bị diệt vong. Các đời vua trước nước Vệ đã dùng cách này rồi, đến nay cũng đã mấy chục năm. Đại Vương dùng tiếp e rằng ở giai đoạn cuối.
Mạnh Vương nghĩ một lát hỏi tiếp.
- Thế còn Nhân đạo.
Khổng Tử thưa.
- Lúc thần cầm chính sự nước Lỗ, đề cao việc lễ nhân. Người dân ai cũng ý thức, của ngoài đường rơi không ai nhặt. Nhà đêm đến không phải cài cửa. Cửa công đường không có người kêu oan. Mọi người cham chỉ làm ăn. Nhưng kết cục cũng chỉ kéo dài vài chục năm. Bởi lòng người vốn sẵn chữ tham. Trước sau lòng tham cũng động. Lấy Nhân hòa mà trị nước cũng như mặc áo giấy cho trẻ con. Lúc đầu thấy đẹp thì nó mải ngắm, sau chán rồi nó cựa quậy là rách tan. Cách ấy cũng không bền.
Mạnh Vương nhìn tên lính gác cửa đeo cung chỉ tay nói.
- Phàm ở đời phải uyển chuyển , kết hợp giữa cứng và mềm. Như cây cung kia thân nó cứng, dây nó mềm. Bởi thế thành thứ vũ khí lợi hại. Nay ta muốn dùng cả Cường Đạo lẫn Nhân Đạo để trị nước có được không.?
Khổng Tử nói.
- Sáng tạo là sức mạnh của người Vệ. Thần giờ đã hết thời, không còn trí lực giúp đại vương. Xin cho thần lui.
Mạnh Vương sai người mang lụa, bạc cho Khổng Tử rồi bảo lui.
Khổng Tử ra khỏi thành.học trò hỏi
- Thưa thầy, nước Vệ liệu có kết hợp cả hai cách để làm chính sự không ?
Khổng Tử nhìn quanh thấy ở cánh đồng vắng vẻ mới nói.
- Về lý thì làm được, nhưng vua quan nước Vệ là một bầy tham lam. Mà đã tham thì tất vi phạm. Chức quyền mà cao khi vi phạm lại dùng quyền để trấn áp, che lấp tội. Rút cục thì còn ta còn các ngươi. Thế nào Mạnh Vương cũng đề cao nhân đạo và làm theo cường đạo. Đó không phải là triều đình nhà Vệ muốn vậy. Mà vì nước Vệ từ trên xuống dưới, tham nhũng đã tràn ngập không có cách gì bỏ được. Kẻ làm quan vừa muốn vơ vét tư lợi, vừa muốn ổn định phát triển đất nước khác nào con cá vừa muốn bơi dưới nước lại muốn chạy trên bờ.
Học trò nói có ý trách.
- Thầy không có ý nào rõ cho Mạnh Vương, thế mà Mạnh Vương vẫn ban cho tặng vật. Thế có lạ không ?
Không Tử nói.
- Không lạ, Mạnh Vương mời ta đến. Cốt chỉ mượn cái tiếng hiền của ta để nói với thiên hạ rằng. Nước Vệ vời hiền sĩ để tham mưu chinh sách. Thật ra ta có nói thế nào thì Mạnh Vương của chả nghe, vì có nghe thì chả có tâm mà làm, dẫu có tâm thì cũng chả có bản lĩnh để đẩy lùi cái gốc tham nhũng. Kẻ sĩ ngày nay trong nước Vệ, muốn giữ mình chỉ có bày kế nửa vời , không đụng đến ai mà cũng chả dùng được thì mới giữ nổi mình. Cái chính là có kế sách để loan tin trong thiên hạ là triều đình đã có kế sách. Như thế cho lòng dân yên mà hy vọng chờ đợi.
Thứ Ba, 3 tháng 2, 2009
CÙNG BẠN THƯ GIẢN .
http://blog.360.yahoo.com/blog-rc8mB8Elc6O1kLg2e0K7aUPgXvAa