Một tuần lễ sau khi Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt tạm giam, dư luận vẫn còn bàn tán xôn sao về sự việc này. Tính ra thì hơn nửa năm sau khi toà án Tokyo chính thức truy tố 4 nhân viên của công ty Tư vấn Quốc tế Thái Bình Dương (Pacific Consultants International PCI) về tội "hối lộ cán bộ Cộng sản Việt Nam để được trúng thầu", và nêu đích danh tên người cán bộ đã nhận số tiền hối lộ lên đến 2,6 triệu đô la là Huỳnh Ngọc Sỹ, mãi đến tuần qua, ông Sỹ mới chính thực bị tống giam. Sau gần 8 tháng trời ngoan cố bao che cho hành động tham ô của ông Sỹ, CSVN sau cùng đã phải chịu khuất phục dưới áp lực của dư luận quốc tế, đặc biệt, lập trường cương quyết của chính phủ Nhật Bản, để đưa con dê ra tế thần. Tuy nhiên, cũng chính qua những thủ đoạn mờ ám của nhà nước trong việc này mà người ta lại càng thấy rõ hơn, đó là chế độ này hoàn toàn không có chủ đích diệt trừ tham nhũng như họ luôn hứa hẹn với người dân.
Hơn nửa năm trời vừa qua, trong khi chính phủ Nhật tiến hành việc xét xử những viên chức Nhật phạm luật, và kêu gọi CSVN hãy xét xử cán bộ của mình, thì người ta chỉ thấy từ phiá Hà Nội những thái độ khó hiểu. Đầu tháng 6-2008, khi toà án Tokyo thành lập Uỷ Ban đặc biệt điều tra vụ hối lộ này, đồng thời gửi CSVN “giấy đề nghị hợp tác điều tra”, nêu đích danh người nhận tiền hối lộ là Huỳnh Ngọc Sỹ thì Hà Nội làm ngơ, không phúc đáp. Đầu tháng 8, khi toà án Tokyo ký trát tống giam 4 nghi can, và báo chí Nhật rần rộ loan tin này, thì thứ trưởng Ngoại Giao CSVN Hồ Xuân Sơn tìm cách bưng bít qua đề nghị “các cơ quan truyền thông đại chúng của hai nước không nên đưa tin.” Ngày 25-8, khi chính phủ Nhật chính thức truy tố 4 viên chức PCI và đến tháng 9-2008, đề nghị thành lập uỷ ban hỗn hợp chống tham nhũng, thì Hà Nội vẫn lì lợm tuyên bố “không có hành vi tiêu cực như báo chí Nhật Bản đã đưa.”
Cho đến ngày 12-11, trong phiên xử đầu tiên tại toà án Tokyo, khi 4 nghi can đều thú nhận về các tội danh bị cáo buộc thì ngày hôm sau, Nguyễn Tấn Dũng hứa hẹn “sẽ cho điều tra”, nhưng chỉ hứa để lừa gạt dư luận, vì biện pháp đưa ra chỉ là "tạm đình chỉ công tác". Tương tự như vậy, ngày 21-11, Nguyễn Minh Triết hứa với thủ tướng Nhật là “sẽ xử lý nghiêm khắc vụ PCI”, nhưng rồi vẫn tảng lờ, Huỳnh Ngọc Sỹ vẫn không bị truy tố.
Trước thái độ ngoan cố của CSVN, đầu tháng 12, Nhật tuyên bố ngưng viện trợ ODA, đóng băng ngân khoản 700 triệu đô la đã cấp cho năm 2008. Đây là lần đầu tiên Nhật phải áp dụng biện pháp cứng rắn như vậy. Choáng váng trước liều thuốc đắng “made in Japan”, ngày 9-12, bộ Công an thông báo “đã khởi tố vụ án nhận hối lộ liên quan đến ông Huỳnh Ngọc Sỹ”, nhưng không tiết lộ thêm chi tiết nào, và Huỳnh Ngọc Sỹ vẫn còn tại ngoại. Có lẽ liều thuốc chưa đủ đắng đối với con bệnh lì lợm. Trong 2 tháng tiếp theo, tình trạng bùng nhùng vẫn tiếp tục kéo dài. Một mặt Hà Nội cố trấn an dư luận bằng những lời tuyên bố sai sự thật như “Nhật Bản sắp nối lại viện trợ ODA cho Việt Nam”, mặt khác họ vận động hậu trường để Nhật Bản thay đổi thái độ. Tuy nhiên, chính phủ Nhật vẫn cương quyết duy trì lập trường cứng rắn của mình. Ngày 29-1, toà án Tokyo kết án các can phạm từ 20 tháng đến 2 năm tù giam. Sau cùng, ngày 11-2, Huỳnh Ngọc Sỹ mới bị bắt tạm giam cùng với viên cựu phụ tá Lê Quả.
Tuy nhiên, chính ngay khi mà người ta tưởng là CSVN đã phải nhượng bộ trước áp lực của quốc tế để xét xử nghiêm chỉnh vụ tham nhũng này, thì một lần nữa Hà Nội lại cho thấy họ vẫn ngoan cố tái diễn trò lừa bịp. Vụ PCI đang có chiều hướng con voi trở thành con chuột nhắt.
Thực chất của vụ này là tham nhũng, hối lộ. Các viên chức PCI phải “lót tay” cho cán bộ CSVN 10% trị giá của hợp đồng để được trúng thầu, tổng cộng lên đến 2,6 triệu đô la. Khi nghe tin Huỳnh Ngọc Sỹ bị bắt giữ vào ngày 11-2 vừa qua, nhiều người tưởng rằng ông Sỹ sẽ bị truy tố về tội tham nhũng. Nhưng người ta đã lầm, vì CSVN lại lừa bịp như đã từng bịp rất nhiều lần trong quá khứ. Họ đã chọn thời điểm hoàng thái tử Nhật đang viếng thăm Việt Nam để bắt giữ Huỳnh Ngọc Sỹ. Họ đã cho biết trước về việc bắt giữ để cả một lực lượng phóng viên đông đảo đến săn tin trước căn nhà 4 tầng của ông Sỹ ở Sài Gòn. Họ đã để báo chí nhà nước mặc tình đăng tải những tấm hình chụp ông Sỹ bị điệu ra khỏi nhà…. Tất cả những thủ thuật đó nhằm tạo ấn tượng rằng luật pháp nghiêm minh đang được thực thi, nhưng thực chất đó chỉ là một màn ảo thuật rẻ tiền. Bản cáo trạng lẽ ra phải là “tham nhũng, hối lộ”, mà chiếu theo bộ luật hình sự của CSVN thì hình phạt có thể lên đến tử hình, nay đã bị chuyển thành ’lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ’ với mức án tối đa là từ 10 đến 15 năm tù giam. Từ tội trạng tham nhũng tiền viện trợ ngoại quốc lên đến gần 3 triệu đô la, có liên quan đến nhiều nhân vật thượng tầng của chế độ, trở thành thâm lạm tiền cho thuê nhà công, tổng cộng khoảng 80.000 đô la, chia chác với một số cán bộ tép riu, trong khoảnh khắc con voi đã biến thành con chuột!.
Rõ ràng CSVN đang muốn ém nhẹm vụ này, như đã nhiều lần trong quá khứ.
Trong một chế độ độc tài, việc duy trì quyền lực được phân bố theo bè cánh, đặt trên căn bản quyền lợi. Bộ chính trị đảng cộng sản gồm 15 uỷ viên dành toàn quyền chia chác bổng lộc, bao gồm tài nguyên của đất nước, tiền viện trợ ngoại quốc và mọi chức tước trong guồng máy nhà nước. Huỳnh Ngọc Sỹ chỉ là một mắt xích trong toàn bộ hệ thống này. Ông ta không thể nuốt trọn số tiền gần 3 triệu đô la, mà phải chia chác với những nhân sự khác. Những người đó là ai?. Trong thời gian ăn hối lộ của PCI, Huỳnh Ngọc Sỹ nằm dưới quyền của Nguyễn Minh Triết là bí thư thành uỷ và Lê Thanh Hải là chủ tịch Uỷ Ban Nhân Dân thành phố Sài Gòn. Bây giờ Triết lên làm chủ tịch nước, và Hải lên chức bí thư thành uỷ. Cả 2 đều là uỷ viên bộ chính trị. Hải còn là sui gia với Sỹ. Với những mắc míu về quyền lợi và tình cảm như vậy, và nhất là nhu cầu bao che cho nhau để cùng tồn tại, sẽ không bao giờ có việc chế độ này xét xử nghiêm minh những vụ tham nhũng.
Chính hệ thống quyền lực độc quyền đã đẻ ra tham nhũng, nên nó không làm sao có thể diệt trừ tham nhũng, vì làm như thế tức là tự huỷ diệt mình. Tất cả những vụ tham nhũng gộc từ trước tới nay đều như vậy. Những thành phần liên can như thứ trưởng Nguyễn Việt Tiến, thứ trưởng Mai Văn Dâu, bộ trưởng Vũ Ngọc Hải, tổng giám đốc Bùi Tiến Dũng, tổng giám đốc Trần Mai Hạnh, thứ trưởng công an Bùi Quốc Huy, viện phó Phạm Sĩ Chiến… đều được bao che tận tình, tạo thời gian cho họ thủ tiêu dấu vết và tẩu tán tài sản, cho đến lúc không thể ém nhẹm nổi thì mới bị mang ra xét xử sơ sài, ở tù tượng trưng một thời gian ngắn rồi được trả tự do, sống cuộc đời xa hoa với số tiền chiếm được. Tất cả đều chung một kịch bản, và Huỳnh Ngọc Sỹ lần này cũng không khác.
Tham nhũng phát xuất từ lòng tham của con người, và nó xuất hiện ở bất cứ nơi đâu. Nhưng chỉ trong một thể chế dân chủ, với quyền lực được minh định rõ ràng, với nền tư pháp độc lập và công minh, và với nền tự do báo chí được tôn trọng, người ta mới có thể phát giác mầm mống tham nhũng kịp thời để ngăn chặn hữu hiệu. Còn trong một chế độ độc tài, cho dù có uỷ ban bài trừ tham nhũng hay muôn ngàn sắc lệnh, nghị quyết… tất cả chỉ là để dàn cảnh. Vì thế, việc diệt trừ tham nhũng phải nhắm tới mục tiêu tối hậu là chấm dứt độc tài, tức là dẹp sạch môi trường giúp cho tham nhũng có cơ hội sinh sôi nẩy nở. Đồng thời trước mắt gia tăng áp lực lên dư luận trong, ngoài nước cũng như quốc tế để lôi ra ánh sáng toàn bộ những ô dù che chở cho Huỳnh Ngọc Sỹ. Chúng ta cương quyết không để cho con voi biến thành con chuột!
Trần Hùng
Nguồn: Việt Tân
2009-02-19 06:38:26