Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Ðất Đai Việt Nam Bị Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Xâm Chiếm

» Tác giả: Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu
» Dịch giả:
» Thể lọai: Biên khảo
» Số lần xem: 2214

1. Ðất Đai Việt Nam Bị Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc Xâm Chiếm


Không ai có thể phủ nhận một sự thực: quốc gia tự nhận là Trung Hoa Nhân Dân Cộng Hòa Quốc [Zhonghua Renmin Gongheguo] đã kiên nhẫn xâm chiếm và cướp đoạt đất đai của các lân bang hơn 2000 năm để lập nên đế quốc hiện nay.


[Trung Hoa có lẽ đã trở thành quốc gia từ đời nhà Shang [Thương, khoảng 1500-1000 TTL. Chính quyền thống nhất đầu tiên ở miền Bắc sông Dương tử là Ch’in Shih Huangti [Tần Thủy Hoàng (246-210 TTL). Chế độ bắt đầu xâm lăng các tiểu quốc miền Nam là Tây Hán hay Tiền Hán (206 TTL-5STL)]


Ngoài những phần lãnh thổ của dân Mongols, Tibet và Manchu bị cưỡng ép sát nhập, THNDCHQ còn tự nhận chủ quyền trên đảo Ðài Loan và cả vùng biển Nam, nơi có dầu hỏa và nhiều tài nguyên thiên nhiên khác dưới thềm lục địa, mà họ mệnh danh là “vùng chiến lược sinh tồn.”


[Vũ Ngự Chiêu, “From Embargo to Normalization: The Human Rights Aspects Of The United States-Vietnam Relations, 1975-1995;” unpublished J. D. Human Rights Seminar (Spring 1999) under the supervision of Professor Jordan J. Paust, University of Houston Law School, Houston, TX] Gần đây, một số tác giả ngụy biện cho tham tâm “làm chủ thiên hạ” của Hán tộc bằng cách qui trách cho âm mưu đế quốc của Bri-tên trong việc tạo nên một quốc gia “Tibet,” hay cuộc tàn sát dân Tibet năm 1959–một thứ tội ác diệt chủng [genocide] mà ít người dám lên tiếng tố cáo–chỉ là hậu qủa cuộc Cách Mạng Văn Hóa của Mao Trạch Ðông. Xem, chẳng hạn, Dibyesh Anand, “Strategic Hypocrisy: The British Imperial Scripting of Tibet’s Geopolitical Identity;” Journal of Asian Studies, vol. 68, No. 1 (Feb 2009), pp. 227-252].


Việt Nam là một trong những nạn nhân trường kỳ của tham vọng đế quốc, thực dân Hán tộc [Hanism]. Những người cầm quyền ở Bắc Kinh hay các thủ đô chính trị khác luôn tự nhận “chủ quyền thượng quốc” trên Việt Nam.


Ngang ngược hơn, vua quan Hán muốn vua Việt phải chấp nhận thứ quan hệ thông hiếu “cha-con, giữ gìn nhau như môi với răng” [“do tử dữ phụ mẫu chi tương thân,” “phụ tử chi quốc, thần xỉ chi bang”], “thuận trời thì sống, nghịch trời thì diệt” [thuận thiên giả xương, nghịch thiên giả vong] (Thư Trương Lập Ðạo gửi Trần Nhân Tông năm 1291; ANCL, q. 5, 1961:102-103) Năm 1789, sau khi đại bại ở Ðại Việt, Ái Tân Giác La Hoàng Lịch (1736-1796)–thường được biết như Càn Long hay Cao Tông–vẫn vui vẻ đón nhận một “Nguyễn Quang Bình” giả mạo tới Bắc Kinh làm lễ “bảo tất” [ôm đầu gối] để tỏ lòng trung hiếu.


Năm 1407, dưới danh nghĩa [pretext] “phù Trần, diệt Hồ” Chu Lệ (Yên vương Lệ, Minh Thành Tông, 1403-1424) xâm lăng và cướp đoạt chủ quyền Việt Nam, đặt ra “Giao Chỉ” rồi “An Nam đô hộ.” Sau 20 năm kháng chiến–do con cháu nhà Trần cầm đầu, hay những lãnh tụ địa phương khác, đặc biệt là Lê Lợi–quân Minh phải triệt thoái khỏi nước ta. “Bình Ngô Ðại Cáo” của Lê Lợi–do Nguyễn Trãi soạn thảo–là tuyên ngôn độc lập hùng hồn nhất của người Việt với cường quốc phía Bắc. Tuy nhiên, thực tế chính trị–trong thế giới luật kẻ mạnh–khiến Ðại Việt phải chấp nhận hệ thống quan hệ ngoại giao thông hiếu qui tâm về Yên Kinh; nhận sắc phong và triều cống định kỳ vua Trung Hoa. Hệ thống “thông hiếu” [tributary network] này khiến có thể ngộ nhận về chủ quyền chính trị thực sự ở Ðại Việt. Thực tế, vua quan Việt luôn tự giữ một khoảng cách vừa phải theo luật kẻ yếu–mềm dẻo, uốn cong mà không gãy. Hoàng Lịch là vua Trung Hoa cuối cùng nếm mùi thất bại trong cuộc xâm chiếm Ðại Việt bằng võ lực năm 1788-1789.


Tuy nhiên, cần nhấn mạnh, mang quân xâm chiếm, chia ra quận huyện để đặt dân Việt vào “vòng lễ giáo” Hán tộc [kiểu cho đào mộ tổ tiên Lê Lợi năm 1418 (Thông sử, 208 [truyện Trịnh Khả]), chỉ là một trong những biện pháp lấn đất giành dân.


Vua quan Trung Hoa không bỏ qua bất cứ cơ hội rối loạn chính trị, hay tranh chấp quyền lực nào trong nội địa Việt Nam để mở rộng bờ cõi. “Mềm nắn, rắn buông,” khi mạnh thì xâm lăng, chiếm đóng, chia đặt quận huyện, lúc yếu thì lên giọng giả đạo đức như chẳng xá gì một thôn động trong núi, hay ví thử có vàng mọc trên mặt đất cũng chẳng tham. (Xem, chẳng hạn, cuộc chiến biên giới năm 1313 tại Du Thôn, Lạng Sơn; ANCL, q. 5, 1961:106 [105-107]; ÐVSKTB, 1997:415-416; CM 9:8-9; 1998, I:582-584)


Tháng 11/1313, Trần Anh Tông tấn công Trấn An, Qui Thuận và Dưỡng Lợi thuộc Quảng Tây, rồi định lại biên giới phía Ðông Bắc với nhà Nguyên.


Tri châu Trấn An là Triệu Giác bắt người đi buôn châu Tư Lăng của Ðại Việt cướp đoạt 1 lọ vàng, lấn hơn 1000 khoảnh ruộng, Anh Tông cho quân qua đánh châu Qui Thuận và Dưỡng Lợi để trả thù.


[Theo ÐVSKTB, Nguyên sử chép là quân Trần lên tới hơn 30,000 tiến vào Trấn An; rồi chia quân xâm lược châu Thuận. Ðích thân Anh Tông vây hãm châu Dưỡng Lợi, phao tin Tri châu Trấn An là Triệu Giác bắt người đi buôn châu Tư Lăng của Ðại Việt cướp đoạt 1 lọ vàng, lấn hơn 1000 khoảnh ruộng, cho nên đến báo thù]. (ÐVSKTB, 1997:415-416)


Ái Dục Lê Bạt Lục Bát Ðạt (Nhân Tông 1309-1318) sai bọn Vạn Hộ Ðăng Dực, Thiên hộ Lưu Nguyên Hanh [Lưu Hưởng tự Ðạo Tông] và Triệu Trung Lương thuộc Soái Phủ Quảng Tây qua tra xét. Bọn Hanh tới Du Thôn [xã Bảo Lâm, huyện Văn Uyên, Lạng Sơn, nơi có ải Du Thôn], rồi gửi thông điệp cho vua Trần. Sau đó trình lên Ái Dục Lê Bạt Lục Bát Ðạt yêu cầu cử người sang thương thuyết. Trần Anh Tông đồng ý bãi binh.


[Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục nhà Nguyễn ghi sơ lược hơn. (CM 9:8-9; 1998, I:582-584).


ANCL chép là năm Diên Hựu 3, tức Bính Thìn [25/1/1316-13/1/1317], Ái Dục Lê Bạt Lục Bát Ðạt (Nhân Tông 1309-1318) sai Lưu Hưởng gửi văn thư cho An Nam [Trần Thuyên hay Thuyến, tức Trần Minh Tông, 1314-1329). Anh Tông đã lên Thái Thượng Hoàng (1314-1320)]. Theo Hưởng, An Nam vẫn được “cơ mi,” hưởng quyền “phế trí.” Cống phẩm thì bạc, triều đình trả lại hậu, “cái ân huệ yên vỗ của triều đình rất đầy đủ.” Tuy một khoảnh đất trong sơn thôn không trọng hệ gì, nhưng quan hệ đến bản đồ quốc gia là việc rất lớn [Kim hồ tắc bất định, cầu yên tư khải, tuy sơn thôn chi địa, sở hệ chỉ vi, nhi quốc gia dư đồ, sở quan thậm đại].


Thế Tử An Nam sai Nguyễn Tất Quả và Ðỗ Tắc Dương sang phúc đáp và tặng quà. Hưởng chỉ nhận thư, không nhận quà tặng. (ANCL, q. 5, 1961:106 [105-107])


Chua chát là từ đời con cháu nhà Trần trở đi, triều đại sắp bị diệt vong nào cũng cầu viện Trung Hoa–và chỉ những người mới đẻ ngày hôm trước mới tin rằng có sự hiện hữu của thứ “viện trợ không mắc câu hay thòng lọng” hoặc “cống hiến vô tư” của Thiên Triều! Những chế độ mới lên cầm quyền ở Việt Nam thường phải “cắt đất đổi hòa bình”–chẳng khác biệt bao lăm những cuộc chiến nối ngôi ở Kampuchea hay Lào, và số đất đai cắt xén cho Ðại Việt cùng Xiêm La Hộc.


Cách này hay cách khác, Trung Hoa đã cướp đoạt của Ðại Việt nhiều vùng quặng mỏ dài theo biên giới. Mỏ vàng Quảng Nguyên (Cao Bằng), hay những mỏ sắt, mỏ đồng (Tụ Long), mỏ bạc ở Tây Bắc Bắc Việt đều từng có tranh chấp. Ðiển hình nhất là vào thời nhà Hồ (1400-1407), Mạc (1527-1593, 1593-1677), và Trịnh-Nguyễn-Tây Sơn (1769-1802). Các vua đầu nhà Nguyễn (1802-1884), từ Gia Long tới Thiệu Trị, cũng chấp nhận “bỏ quên” 6 châu Hưng Hóa mất vào tỉnh Vân Nam. Năm 1882, dưới áp lực thực dân Pháp, Tự Ðức và những “Hán nhân” khác, còn xin nội phụ nhà Thanh–một việc làm khó giữ bí mật ngàn đời!


[Sử quan Nguyễn chép vào Thực Lục đời Minh Mạng “Hán nhân” thay vì người Việt. Diễn giải Hán nhân là người thấm nhuần văn hóa Hán là một ngụy biện]


Nếu người Pháp không chiếm đóng Việt Nam–“đặt lại quận huyện, mở cửa cho dân An-na-mít vào thế giới văn minh” Ðại Pháp [tiêu biểu bằng việc cho Nguyễn Thân-Ngô Ðình Khả-Lê Tựu Khiết đào mộ lãnh tụ kháng chiến Phan Ðình Phùng năm 1896, trộn với thuốc súng mà bắn đi, hay treo thủ cấp Hoàng “Ba” Thám ở Nhã Nam suốt 3 ngày năm 1913]–chẳng hiểu tình trạng biên giới Việt Nam biến hóa ra sao dưới sự khuynh đảo của bọn thổ phỉ và hải tặc Trung Hoa, cùng lính đánh thuê cho Pháp. (Xem Vũ Ngự Chiêu, Các vua cuối nhà Nguyễn, tập III)


Khi cuộc nội chiến Quốc-Cộng (1945-1975) còn đang tiếp diễn, THNDCHQ lại bắt đầu một chu trình tằm thực mới. Tấn công Hoàng Sa đầu năm 1973, hay hai hòa ước về biên giới đất liền và lãnh hải vịnh Bắc Bộ năm 1999 và 2000 mới chỉ là khởi đầu. Ðầu thiên kỷ 2000, bắt chước Mao Trạch Ðông, lãnh đạo THNDCHQ tới tắm bãi biển Ðà Nẵng, tuyên bố muốn thấy thanh thiếu niên Hoa-Việt vui cười tung tăng an bình sống bên nhau, nhưng thỉnh thoảng lại sai chiến hạm tới bắn giết thanh niên Việt chỉ để giành độc quyền những túi vàng đen ở khu vực quần đảo Trường Sa mà THNDCHQ đặt tên là Nansha!


[Ðó là chưa kể đưa hàng mạo hóa [“nhái”] vào lũng đoạn thị trường Việt Nam; thu mua quặng thô từ những tỉnh biên giới; thường trực áp lực Việt Nam trong nhiều lãnh vực, kiểu trúng thầu với giá rẻ mạt những công trình tái thiết do viện trợ quốc tế bảo trợ]


Trong khi đó, một viên chức Lai Châu tiết lộ (năm 2005) rằng thổ dân và thổ quan THNDCHQ ở vùng biên giới tiếp tục xâm lấn lãnh thổ Việt Nam. Họ tuyên bố “ở đâu có chuối xanh là lãnh thổ Trung Quốc.” Phương cách tằm thực này–tạo nên những cuộc va chạm ở các tỉnh biên giới–nhiều khi không do chính quyền trung ương chủ xướng, nhưng kết quả cuối cùng vẫn là làng bênh làng, “Thiên triều” bắt ép “bồi thần.”


Những vùng đất bị TH xâm lấn nhiều nhất nằm ở phía Tây Bắc hơn phía Ðông Bắc (như Trấn Nam Quan [ải Pha Lũy, nay là Hữu Nghị Quan] hay Thác Bản Giốc mà dư luận hải ngoại khua chiêng gõ trống). Vài địa danh lịch sử như “ải Lê Hoa” trong trận chiến đánh đuổi quân Minh của Lê Lợi, đã “vào bản đồ” Mông Tự, Vân Nam, từ năm nào không rõ.


Nhiều “chuyên viên Trung Hoa” trong nước–vì một lý do nào đó–vẫn nuôi ảo tưởng về lòng thành thực của Mao Trạch Ðông và tinh thần “quốc tế vô sản” của Mao, đổ mọi trách nhiệm cho Ðặng Tiểu Bình. Không nhận hiểu dã tâm của Mao khi sử dụng xương máu người Việt để củng cố trận tuyến chiến lược Ðông Nam, trong cuộc đương đầu sắt máu với Liên Bang Mỹ.


“La vérité sur les relations sino-vietnmiennes;” La Chine et le Monde [“Sự thật về quan hệ Trung Hoa-Việt Nam,” trong Trung Hoa và Thế Giới] (Beijing: Beijing Information, 1982), tr. [102-141]


Nếu còn sống và đủ tỉnh táo, những “chuyên viên” này nên đọc lại hồi ký Vũ Ðình Hoè, đoạn nói về cảnh Mao tiếp phái đoàn VNDCCH ở Di Niên Ðường năm 1951. Mao thỉnh thoảng ném kẹo táo, trái cây cho Tôn Ðức Thắng, Vũ Ðình Hoè và các đại diện nhân dân Việt (kể cả nữ anh hùng dân công Triệu Thị Soi), ân cần nói: Ăn đi, ăn nhiều đi, rồi đánh giặc cho khoẻ! (Vũ Ðình Hoè, Hồi ký, 2004:938) Cũng nên đọc lại những bài viết của Trường Chinh về tư tưởng “Mao Trạch Ðông vĩ đại,” v.. v... trên tờ Tạp Chí Cộng Sản, trước khi chết không nhắm mắt vào năm 1988.


Việc cắt đất, cắt lãnh hải cho Trung Cộng của nhóm Lê Công Phụng, do lệnh từ Bộ Chính Trị Ðảng CSVN, là một sự thực lịch sử. Giống như lá thư Phạm Văn Ðồng gửi cho Chu Ân Lai năm 1958 mà chúng tôi đã công bố cách đây hơn 20 năm [Xem Chính Ðạo, 55 Ngày & 55 Ðêm, in lần thứ 5 (Houston: Văn Hóa, 1987, 1999), tr. 20; & Việt Nam Niên Biểu, I-C: 1955-1963 (Houston: Văn Hóa, 2000), tr. 120]. Dù chi tiết hành động “cắt đất đổi hòa bình” chưa bạch hóa, không thể không nghĩ đến số phận quặng uranium ở mỏ Tĩnh Túc, Pia Ouac, mà chuyên viên Nhật tìm ra trong khoảng 1946-1947.


Xin ghi lại những trường hợp mất đất tiêu biểu nhất trước thời Pháp thuộc:


I. GIA ÐÌNH HỒ QUÍ LY (1400-1407):


Vì nhà Hồ (1400-1407)–giống như nhà Mạc (1527-1593) và Tây Sơn (1778-1802), chỉ phụ chép trong “quốc sử” phong kiến như “Ngụy” và “nghịch thần truyện”–xin ghi lại những chi tiết sau theo “quốc sử”:


(Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư [ÐVSKTT], q. IX; Khâm Ðịnh Việt Sử Thông Giám Cương Mục [CM], XI:36-43, XII:1-21; (1998), I:707-735); Lê Quí Ðôn, Thông sử, 1978, III:253-397)


A. Tháng 3/1405, Hồ Hán Thương sai Hoàng Hối Khanh cắt đất Lộc Châu (59 xã thôn) của Lạng Sơn cho nhà Minh. (CM, XII:7; (1998), I:720-721; ÐVSKTB, 1997:518)


Hoàng Quảng Thành, thổ quan Tư Minh, tâu lên rằng nhà Trần đã cướp đất Cổ Lâu [Lộc Châu] (Lạng Sơn). Chu Lệ (1403-1424)—con thứ tư Nguyên Chương; cướp ngôi của cháu là Doãn Văn (Kiến Văn hay Huệ Tông 1399-1402); ÐVSKTB, 1997:515)—cho lệnh Quí Ly trả lại đất trên. Hán Thương sai Hối Khanh làm “cát địa sứ.”


Không hài lòng việc Hối Khanh cắt nhượng quá nhiều đất, Quí Ly ngầm cho lệnh đầu độc các thổ quan do nhà Minh bổ nhiệm. Tuy nhiên, châu Tây Long và huyện Tây Lâm này ngày nay nằm trong lãnh thổ đạo Ðiền Nam, tỉnh Quảng Tây, của THNDCHQ. (CM XII:7, 1998, I:721)


B. Mùa Thu 1406, Chu Lệ còn sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh mang 2 đạo quân tràn sang xâm chiếm Ðại Việt, dưới danh nghĩa phù Trần diệt Hồ. Ngày 20/1/1407, quân Minh chiếm Ðông Ðô (Hà Nội). Cướp đoạt con gái, của cải, lụa là, lương thực, chiêu tập dân phiêu dạt làm kế lâu dài. Con trai ít tuổi phần lớn bị thiến. Của cải các lộ bị thu lại rồi chở về Kim Lăng. (ÐVSKTB, 1997:523)


Tháng 6/1407, quân Minh chiếm cửa biển Kỳ La, châu Nhật Nam (tức cửa Lân, huyện Kỳ Anh, Thanh Hoa [Hà Tĩnh đời Nguyễn]). Hồ Quí Ly, Hồ Hán Thương và toàn gia bị Liễu Thăng bắt sống.


(ÐVSKTB, 1997:526; CM, q. XII:17-19, 21; (1998), I:731-732, 734-735. Theo ÐVSKTT, VIII, 2:229 [Hồ Quí Ly bị bắt ngày 16/6, Hán Thương bị bắt ngày 17/6 ở núi Cao Vọng] )


Trương Phụ cho lệnh Liễu Thăng giải Quí Ly và gia quyến về Kim Lăng. Chu Lệ làm lễ đón nhận tù binh. Nhốt bọn Quí Ly vào ngục. Có tin giết đi. Lại cũng có tin được tha, nhờ con là Hồ Nguyên Trừng dâng cách chế súng thần công. (ÐVSKTB, 1997:528) Người giúp bắt Quí Ly là Nguyễn Ðại.


Quân Minh thu được chiến lợi phẩm khá hậu hĩ: 112 voi, 420 ngựa, 35,750 trâu, 8,865 thuyền, 3,129,500 hộ dân, có lẽ gồm cả những hộ ở vùng Hóa Châu mới chiếm năm 1402. (ÐVSKTT, IX, 2:230) Tháng 7/1407, Chu Lệ cải tên Ðại Việt thành Giao Chỉ. Lập quan lại, phủ huyện (17 phủ, 5 châu, 12 vệ), miễn thuế tô 3 năm.


(CM, XII:20-22; I:733-734; ÐVSKTB, 1997:525 ghi là tháng 4 Ðinh Hợi. Sau lại đổi thành An Nam Ðô Hộ Phủ. (CM, CB XII:20-23; 1998, I:733-737]


II. GIA ÐÌNH MẠC ÐĂNG DUNG:


A. Ngày 30/11/1540, Mạc Ðăng Dung giao cho Mạc Phúc Hải (1540-1546) giữ chính quyền, rồi cùng Minh Văn và hơn 40 thuộc hạ qua Trấn Nam Quan tạ tội với quan tướng Minh.


Nguyên bọn Tướng nhà Minh là Cừu Loan và Mao Bá Ôn đã tới Quảng Tây, tập trung quân lính chuẩn bị đánh Ðại Việt. Ðạo quân nhà Minh, kể cả chính binh và kỳ binh (quân lưu động), dự trù lên tới 220,000, chia làm ba cánh xâm phạm Ðại Việt theo ngả Bằng Tường, Long Châu và Tư Minh. Vân Nam cũng được lệnh mang ba đội tiễu binh, mỗi đội 21,000, từ ghềnh Liên Hoa (Mông Tự, phủ Khai Hóa nhà Thanh [nguyên là đất của Việt, mất vào dịp nào không rõ]) tràn vào Ðại Việt.


Lại truyền hịch hạch tội Ðăng Dung diệt nhà Lê, ai bắt được một tội nhân sẽ thưởng 2 nén vàng và ban quan tước. (CM,CB, 27:31-32; 1998, II:114-115)


Mặt khác, dụ bảo cha con Ðăng Dung tự trói mình đợi tội, dâng nạp sổ sách đất đai, dân đinh, sẽ được tha tội chết.


Ðăng Dung bèn sai sứ sang gặp bọn Bá Ôn dàn xếp. Bá Ôn đồng ý ngày 30/11/1540, Ðăng Dung phải làm lễ đầu hàng tại Trấn Nam Quan. Ngày này, Ðăng Dung cùng cháu là Văn Minh và hơn 40 tùy tùng


“[M]ỗi người đều cầm thước, buộc dây vào cổ, đi chân không đến bò rạp ở mạc phủ nước Minh, giập đầu quì dâng tờ biểu xin hàng, biên hết đất đai quân dân quan chức trong nước để xin xử phân, nộp các động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, An Lương của châu Vĩnh Yên, trấn Yên Quảng xin cho nội thuộc lệ vào Khâm Châu.” Rồi sai cháu vào Yên Kinh dâng biểu đầu hàng. (ÐVSK, BKTB, XVI:131-132).


[Thông sử của Lê Quí Ðôn thiếu đoạn này; Thông sử, 272 [truyện Mạc Ðăng Dung]


Theo sử quan nhà Nguyễn, Khâm châu chí của nhà Thanh chỉ chép là “năm Gia Tĩnh nhà Minh” (Chu HậuTổng, 1522- 1566), Ðăng Dung nạp trả 5 động Tê Phù, Kim Lặc, Cổ Sâm, Liễu Cát, La Phù, không có An Lương.


Quảng Yên sách thì chép động An Lương nay là phố An Lương thuộc châu Vạn Ninh, phủ Hải Ninh, tỉnh Quảng Yên.


KÐVSTGCM cho rằng không cắt động An Lương. (CM,CB, 27:34; 1998, II:116)


Nam Quan ở về phía Tây Nam châu Bằng Tường, phủ Thái Bình, tỉnh Quảng Tây nhà Thanh. (CM,CB, 27:34-35; 1998, II:116-117)


Minh sử thông sự (q.32) chép là mãi tới năm 1538 Ðăng Dung mới cử sứ qua nhà Minh vì đường ra biên ải bị bọn Trần Cung ngăn chặn.


Bọn Bá Ôn cho Ðăng Dung về nước đợi lệnh. Văn Minh và Nguyễn Văn Thái lên Yên Kinh yết kiến vua Minh. Ngày 7/11/1541, bọn Bá Ôn và Văn Minh tới Yên Kinh. Bá Ôn đề nghị Hậu Tổng nhìn nhận Ðăng Dung, vì Ðăng Dung thành khẩn qui phục, lại nộp đất. Phần bọn Trịnh Duy Liêu, sứ giả của Nguyễn Kim gửi tới–dưới danh nghĩa một dòng giõi nhà Lê giả là Lê Ninh–chẳng nên cứu xét thêm. (ÐVSKTT, XVII, 3:132-133)


Hậu Tổng đồng ý, đặt An Nam đô thống sứ ti, cho Ðăng Dung chức quan tòng nhị phẩm (đô thống sứ), được quyền thế tập. Tuy nhiên, ngày 11/9/1541, Ðăng Dung đã chết. (Thông sử, 272-273, 280; CM 27:36-37; 1998, II:118-120).


Ngày 19/1/1543, Hậu Tổng phong Phúc Hải làm An Nam đô thống sứ ti đô thống sứ. Cống hiến hàng năm. (ÐVSKTT, 3:134; CM,CB, 27:39; 1998, II:121)


B. Ðời Hậu Lê, con cháu nhà Mạc được nhà Minh can thiệp cho giữ 4 châu thuộc Cao Bằng.


Theo Phan Huy Chú, tác giả Lịch Triều Hiến Chương Loại Chí, [“Dư Ðịa Chí,” (1819), bản dịch Viện Sử học (Hà Nội: 1992), 3 tập, quyển 4, 151-154], Cao Bằng trước kia, thuộc trấn Thái Nguyên. Từ cuối đời nhà Mạc, nhà Thanh áp lực Lê-Trịnh phải cắt cho nhà Mạc 4 châu: Thạch Lâm (22 xã), Quảng Uyên (38 xã), Thượng Lang (32 xã), Hạ Lang (22 xã) [tới 1677].


Theo Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, năm 1677 mới đặt tên Cao Bình. Tây Sơn đổi làm Cao Bằng. Năm 1826, Minh Mạng đổi làm phủ Trùng Khánh. Năm 1831, đổi thành tỉnh. Ðặt 2 phủ Hòa An và Trùng Khánh. Chia Thạch Lâm làm 2 huyện Thạch An và Thạch Lâm. Ðặt tuần phủ Lạng-Bằng. Tự Ðức bỏ phủ Hòa An. [(q. 25; bản dịch Phạm Trọng Ðiềm và Ðào Duy Anh, Viện Sử Học, (NXB Thuận Hóa, 1997), 5 tập, IV: 402-403 [401-430.]


Năm 1677, Ðinh Văn Tả dẹp được họ Mạc. Nhưng một phần đất trong các châu này bị thổ quan châu Tư Minh và Quảng Tây lấn chiếm. Sử quan nhà Nguyễn, chẳng hạn, không thể khảo cứu được “Ðương Châu” phủ Bắc Bình dưới đời Lê Thánh Tông. (ÐNNTC, 1997, IV:419)


C. Về Lạng Sơn-Nam Quan:


Ðịa danh Trấn Nam Quan–mà nhiều người dưới thời Pháp thuộc gọi là “Ải Nam Quan”–xuất hiện lần đầu tiên trong đoạn sử nói về việc họ Mạc cắt đất cho nhà Minh nói trên. Trước đó, thời nhà Trần (1226-1400), chỉ ghi việc Trần Thái Tông đưa quân qua Bằng Tường để khai thông đường liên lạc với nhà Nam Tống. Ðầu đời nhà Hồ, hai lần nhắc đến “Ải Pha Lũy” (1406 và 1427).


Vì không tìm được dấu vết ngày xây dựng Trấn Nam Quan trong cả tài liệu Hoa và Việt, sử quan nhà Lê và Nguyễn chú thích rằng “Cửa quan Nam Giao” hay Trấn Nam Quan chỉ được ghi vào sử từ đời Mạc Ðăng Dung [1540]. (ÐNNTC, IV:384-386) Ðây là cửa ải chính thức cho các sứ đoàn, chỉ có một cánh cổng bằng gỗ, có khóa. Trên lãnh thổ Việt chỉ có “Ngưỡng Ðức Ðài.” Những dịch vụ khác–như giao giải tù nhân–dùng “Ải Du Thôn,” cách tỉnh Lạng Sơn 30 dặm về phía Bắc, nằm về phía hữu của Trấn Nam Quan. Ði đường núi mất khoảng 2 canh giờ rưỡi [5 tiếng đồng hồ tới Trấn Nam Quan].


Khi đi sứ Trung Hoa năm 1760 để báo tang Lê Thuận Tông, Bảng nhãn Lê Quí Ðôn ghi chép được hai bản văn bia của quan lại Trung Hoa về vấn đề quan ải.


Bia thứ nhất do Tuần phủ Quảng Tây Lý Công Phất dựng khoảng năm 1725, sau khi tu bổ lại Trấn Nam Quan từ tháng 3/1725 tới cuối năm mới xong.


(Lý Công Phất, “Trùng tu Trấn Nam Quan ký;” (1725), Lê Quí Ðôn, Vân Ðài Luận Ngữ, bản dịch Phạm Vũ, Lê Hiền (Sài Gòn: 1972), tr. 160-162.


Bia thứ hai, “Tuần duyệt An Nam biên ải ký” của Án sát Quảng Tây Hoàng Nhạc Mục. (VÐLN, 1972:162-165) Theo Nhạc Mục, ngày 13/3/1746, Mục đến Ðiền Châu, cách Bách Sắc chừng 100 dặm. Ngày 22/3, đi từ phủ Thái Bình tới quận Bằng Tường. Từ Bằng Tường tới Trấn Nam Quan mất 4 ngày.


Khu vực Lạng Sơn-Cao Bằng này vừa cũ, vừa mới có 116 cửa quan dài theo biên giới, quân biên phòng 1935 tên, quân thổ dân 1170 người. (VÐLN, 1972:165)


Ở Thủy Khẩu quan, có một con sông nước trong, rộng hơn 10 trượng từ Cao Bằng chảy tới. (VÐLN, 1972:164)


Ngày 3/5/1746 Hoàng Nhạc Mục về lại Liễu Châu. Ngày 19/5 tới tỉnh Quảng Tây. Ngày 27/6/1746 trở lại Liễu Châu vẽ bản đồ và khắc bia đá. (VÐLN, 1972:165) [Lịch Thanh ghi tháng 3 nhuận. Lịch Lê-Trịnh ghi tháng 12 Ất Sửu nhuận].


Lạng Sơn: Gồm 2 phủ Tràng Khánh (châu Lộc Bình, châu Ôn, huyện Yên Bác) và Tràng Ðịnh (châu Vân Uyên, huyện Văn Quan, Thất Khê, châu Thoát Lãng). Phủ lị thành Lạng Sơn cách châu lị Tư Minh (nay là Ninh Minh) 10 dặm về phía Tây Nam. (Ðại Nam Nhất Thống Chí của Quốc Sử Quán Triều Nguyễn, q. 24; bản dịch Phạm Trọng Ðiềm và Ðào Duy Anh, Viện Sử Học, 5 tập, (NXB Thuận Hóa, 1997), IV:365-400).


Một cách tổng quát, việc kiểm soát biên giới rất lỏng lẻo. Dân địa phương cũng vượt biên giới một cách dễ dàng–nhất là những toán thổ phỉ, xạ phang, và/hay những đoàn buôn thuốc phiện và gạo muối lậu.


III. ẢI LÊ HOA (MÔNG TỰ NGÀY NAY):


Tháng 10/1427, giữa khí thế đang lên của Lê Lợi, viện quân của Liễu Thăng và Mộc Thạnh kéo vào lãnh thổ Ðại Việt, hy vọng cứu nguy cho Ðông Ðô. Trần Nguyên Hãn, Lê Sát và Lê Nhân Chú giữ ải Chi Lăng [ngăn chặn Liễu Thăng]; Phạm Văn Xảo và Lê Khả giữ ải Lê Hoa ở Mông Tự [ngăn chặn Mộc Thạnh]. (Thông sử, 64-65, 191-192 [truyện Phạm Văn Xảo], 209 [truyện Trịnh Khả])


Ngày 8/10/1427, Liễu Thăng kéo quân qua ải Pha Lũy. Trần Lựu lui quân về Ải Lựu, rồi ải Chi Lăng. Hai ngày sau, 10/10, Trần Nguyên Hãn và Lê Sát phục binh giết chết Liễu Thăng tại núi Mã Yên (Chi Lăng). (Thông sử, 66)


Ngày 15/10/1427, viện binh Lê đến Chi Lăng. Giết thêm Lương Minh.


Ngày 18/10, từ Chi Lăng, Thôi Tụ và Hoàng Phúc tiếp tục tiến binh. Nhưng Thái úy Trần Nguyên Hãn, Tư mã Lê Sát, Thiếu úy Lê Lý chiếm được thành Xương Giang. Tri phủ nhà Minh Lưu Tử Phu tử trận cùng Kim Dận, Lý Nhậm. Vòng vây quanh Ðông đô xiết chặt hơn. Rồi ngày 3/11, Lê Vấn và Lê Khôi phá tan quân Minh ở Xương Giang. Bắt sống Thôi Tụ cùng Hoàng Phúc và hơn 3,000 quân. Giết chết 50,000 quân Minh.


Quân Mộc Thạnh được tin tan rã. Trịnh Khả chém chết hơn 10,000, bắt hơn 1000 tù giặc Ngô, hơn 1000 ngựa ở Lãnh Câu, Ðan Xá. Mộc Thạnh một mình thoát thân. (Thông Sử, 67, 209 [truyện Trịnh Khả]; CM XIV, 1998, I:820)


[Theo Ngô Thì Sĩ, Lê Lợi mật chỉ cho các Tướng là Tổng binh Vân Nam Mộc Thạnh đã già. Chỉ có ý cầm cự với quân Phạm Văn Xảo, chờ tin Liễu Thăng. Khi quân Lê đưa tù nhân và cờ xí tới nơi, quân Thạnh chưa đánh đã tan. Mộc Thạnh một mình thoát thân. Quân Lê bắt được vũ khí, xe cộ nhiều gấp 2 lần thành Xương Giang; ÐVSKTB, 1997:562)]


Tháng 11 Ðinh Mùi [19/11-17/12/1427], hai thành Tây đô và Cổ Lộng đầu hàng.


Từ Ðông Quan, Vương Thông đưa thư xin hòa. Lê Lợi chấp thuận. Sai Hành khiển Nguyễn Trãi viết thư cho Chu Chiêm Cơ (1426-1434), xin sắc phong Trần Cảo [một người giả dòng giõi họ Trần], nhờ Mộc Thạnh ở Vân Nam và Cố Hưng Tổ ở Quảng Tây chuyển về triều. Tha Hoàng Phúc về nước. (Thông sử, 68)


Ngày 10/12/1427, Lê Lợi và Vương Thông định hòa ước. (Thông sử, 69) Ngày 29/12, quân Minh rút lui. (ÐVSKTB, 1997:563)


Trước đó, Lê Lợi cũng sai Nguyễn Trãi viết hai lá thư nhân danh Trần Cảo xin hòa. (ÐVSKTB, 1997:563)


Tháng 12/1427, sau khi nghe tin Liễu Thăng tử trận và Vương Thông bị vây khốn ở Ðông Quan, Chu Chiêm Cơ đồng ý bãi binh. [Trương Phụ không đồng ý; quan nội các Kiến Nghĩa và Hạ Nguyên Cát cũng vậy. Dương Vĩnh Kỳ và Dương Vinh muốn hòa. Theo họ, 20 năm chiến tranh đã quá dài. Chiêm Cơ đồng ý, sai La Nhữ Kính mang chiếu phong Trần Cảo làm An Nam Quốc Vương. (Thông sử, 70; ÐVSKTB, 1997:563)


Ngày 29/12/1427, Vương Thông dẫn quân về nước. Mười phần khi đến chỉ còn lại hai. La Nhữ Kính tới Long Châu đã gặp Vương Thông. Thông sau bị tống giam, tước đoạt tài sản. (ÐVSKTB, 1997:564)


[20/1/1407: Quân Minh chiếm Hà Nội. (ÐVSKTB, 1997:523, 564). Ngày 29/12/1427, Vương Thông dẫn quân về nước. Phan Phu Tiên: số trời; ÐVSKTB, 1997:564)


[Ngô Thì Sĩ: Vài vạn người Minh ở lại; ÐVSKTB, 1997:564]


Tuy nhiên, sau đó ải Lê Hoa bị mất vào Trung Hoa. Trong lời chú, sử quan KÐVSTGCM cho rằng có tin quân Mộc Thạnh kéo tới châu Thủy Vĩ [ranh giới Tuyên Quang].


IV. LÊ-TRỊNH: “HƯNG HÓA”


A. Năm 1728 [đời Huỳnh Hoa (1662-1735), niên hiệu Ung Chính thứ 6, quan Việt và Thanh đặt bia đá giới mốc “châu Vị Xuyên, Tuyên Quang” trên bờ sông Ðỗ Chú, huyện Vĩnh Tuy. Năm 1831, Minh Mạng cho lệnh làm lại bia, khắc thêm văn bia nhà Thanh như sau: Ngày 11/10/1728 Ngô Sĩ Côn, Tri phủ Khai Hoá và Vương Võ Ðảng, Du kích trung dinh trấn Khai Hóa, bàn định biên giới với đại diện “Giao Chỉ” là Nguyễn Huy Nhuận [tả thị lang bộ Binh, và tế tửu Nguyễn Công Thái]. Hai bên đồng ý dựng bia biên giới ngày 22/10/1728, lấy sông Ðỗ Chú làm căn cứ. (ÐNNTC, 1997, 4:353-354].


Tháng 2/1769, Tướng Trịnh là Ðoàn Nguyễn Thục chiếm được động Mãnh Thiên (huyện Thanh Châu) của “giặc” Hoàng Công Chất. Chất đã chết. Con là Công Toản chạy thoát qua Vân Nam. (CM 43:21-22, 1998, II:684-685) (CM, 43:20-22, 1998, II:691-692) 7 châu dưới quyền Công Toản [Tung Lãng (Mường La), Lễ Tuyên, Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, Lai Châu, Khiêm Châu] đều xin qui phụ nhà Thanh [nay là 6 trại thuộc huyện Kiến Thủy, phủ Lâm An, Vân Nam]. (LTHCLC, q.IV, “Hưng Hóa,” Dư Ðịa Chí, 1992, I:142-143)


B. Năm 1780, Quảng Lăng, Khiêm Châu thành lãnh thổ huyện Kiến Thủy, phủ Khai Hóa. (CM 45:23; 1998, II:754-755)


Nhà Thanh xâm lấn thêm 4 châu Hoàng Nham, Tuy Phụ, Hợp Phì, và Lễ Tuyên thuộc phủ An Tây (Hưng Hóa, nay thuộc Lai Châu), sát nhập vào phủ Khai Hóa, Vân Nam. Cuối năm đó, Trịnh Sâm viết thư cho quan Thanh ở Vân Quí, họ chỉ im lặng. Sau Sâm bệnh, phải bỏ qua. (CM XLV:23; 1998, II:754-755)


C. Tháng 6-7/1806, dân Thanh lấn chiếm một số động ở biên giới Hưng Hóa. Ðây là cuộc tranh chấp lãnh thổ và dân cư từ đời Lê-Trịnh. Không những từ chối trả lại 6 châu thuộc phủ An Tây, quan địa phương Vân Nam còn lấn chiếm dân hai châu Chiêu Tấn và Lai Chính vào trại Mãnh. Tổng trấn Nguyễn Văn Thành làm sớ xin Gia Long cho người bàn luận việc biên giới với Tổng đốc Vân Quí. Gia Long tuyên bố mới dựng nước, chưa tiện. Bởi thế 6 châu mất vào nhà Thanh. (ÐNTLCB, I, 3:286; ÐNNTC, 1997, IV:288-289. Châu Quảng Lăng hay Tung Lăng (Mương La) có mỏ vàng. Quan Thanh đưa dân Hồ Quảng tới, mở 3 phố.)


D. Năm 1831, nhàThanh lại định xâm lấn một phần lãnh thổ Hưng Hóa. Mục luyện phủ Lâm An đưa 600 lính tới đòi chiếm đồn Phong Thu. Nói Phong Thu là lãnh thổ Thanh. Minh Mạng sai Hộ tào Ðặng Văn Thiêm và thống quản Nguyễn Ðình Phổ đem 1000 quân và 10 thớt voi lên đóng giữ trấn Hưng Hóa. Tới Hưng Hóa, trích giao trấn thủ Vũ Văn Tín 300 biền binh, trấn binh và thổ binh cùng 5 thớt voi tới Chiêu Tấn phòng ngự. Rồi viết thư cho chỉ huy người Thanh, khẳng định Phong Thu là đất Việt.


Tháng 7/1831, Mục luyện Thanh tấn công Phong Thu. Thủ đồn Chử Ðình Thông rút về động Bình Lư.


Minh Mạng cho Ðặng Văn Thiêm thêm 200 biền binh và 2 thớt voi để theo Vũ Văn Tín tới Phong Thu. Ðến nơi, quân Thanh đã triệt thoái vì bệnh tật, bỏ lại súng, cờ. Giao cho Chánh xuất đội Bùi Văn Lương giữ đồn với 100 lính. Sau đó viết thư cho nhà Thanh. Nhà Thanh muốn giảng hòa, hẹn ngày bàn thảo. (ÐNTLCB, II, 10:284-285)


Tháng 9/1831, sau khi bắt được Ðiêu Doãn An–một thổ tù thân nhà Thanh, đã xúi bẩy quan Thanh chiếm Phong Thu–Vũ Văn Tín rút quân về Hưng Hóa. Dọc đường, Tín ốm chết. Ngô Huy Tuấn bị bệnh. Hơn 300 biền binh cũng bị bệnh, ốm chết dọc đường. Dẫn bọn Ðiêu Doãn An, Ðiêu Doãn Kiên và Ðiêu Doãn Võ về kinh. Dùng Ðiêu Quốc Long, con Quốc Thuyên, quản trị 2 động Phong Thu và Bình Lự. Nhưng muốn giữ tình hữu nghị với nhà Thanh, bỏ qua việc 6 châu mất từ đời Lê-Trịnh. (ÐNTL, CB, II, 10:325-327. Theo Y sĩ Nguyễn Xuân Chữ, họ “Ðiêu” chính xác hơn “Ðèo.”)


Tháng 11/1831, Minh Mạng bỏ tổ chức Bắc thành và 11 trấn. Ðặt tỉnh hạt từ Quảng Trị trở ra. Hiệu lực từ ngày 2/2/1832. (ÐNTL, CB, II, 10:355-73, 394)


Tỉnh Hưng Hóa mới gồm 3 phủ [Qui Hóa, Gia Hưng, An Tây], 5 huyện, 16 châu. [Phủ Gia Hưng là huyện Tam Nông, phủ Sơn Tây cũ]


Tuyên Quang: 1 phủ [Yên Bình], 1 huyện [Hàm Yên], 5 châu [Vị Xuyên, Thu Châu, Ðại Man, Lục Yên, Bảo Lạc].


Tháng 6-7/1841, Thiệu Trị lập phủ Ðiện Biên, kiêm lý cả châu Ninh Biên, lấy Lai Châu và Tuần Giáo làm thống hạt. (ÐNTL, CB, III, 23:263-265) Tháng 7-8/1852, Tự Ðức cắt thêm châu Quỳnh Nhai và châu Luân vào phủ Ðiện Biên. Phủ An Tây chỉ còn 1 châu Chiêu Tấn [Mường So hay Mường Thu]. (Ðại Nam Nhất Thống Chí, 1997, IV:285-291)


Dịp này, ranh giới Tuyên Quang cũng định lại. Ðịa phận xã Bình Di/làng Ðông An (Khai Hoá). Tuần phủ Khai Hóa bí mật sai người tràn sang lập nhà cửa, đuổi dân cư chạy đi. Phó Kinh lược sứ Ngụy Khắc Tuần mang quân tới người Thanh mới rút. (ÐNTL, CB, III, 27:349-350)


Từ năm 1848, thổ phỉ và hải tặc Thanh bắt đầu lộng hành ở miền thượng du. Tình hình nghiêm trọng đến độ sau này Tự Ðức sẽ phải mời quân Thanh vào tiếp tay diệt phỉ. Ðồng thời “nuôi vỗ” những nhóm thổ phỉ mạnh, “dĩ phỉ trị phỉ.” Giặc Cờ Ðen, Cờ Vàng, chẳng hạn, được giao quyền cai trị và thu thuế ở các tỉnh Hưng Hóa, Tuyên Quang.


Houston, 20/2/2009
Nguyên Vũ Vũ Ngự Chiêu


2009-03-13 17:34:15