Thứ Bảy, 14 tháng 3, 2009

Mênh mông tình dân? [*]

» Tác giả: Chương Dương
» Dịch giả:
» Thể lọai: Chính trị - Xã hội
» Số lần xem: 445

1. Mênh mông tình dân? [*]

Đọc Mênh Mông Tình Dân mà nhớ thầy giáo Vũ Hùng Đang bị tù

Câu nói của Đỗ Mười mang nặng ý nghĩa chuyên chính kiểu luật rừng rằng: "Thằng Phiêu nó hạ tao, bây giờ tao hạ nó" ! Ngay lúc đầu, ai chưa hiểu về bản chất của mấy ông này, có thể bị sốc, còn đại đa số dân Việt Nam thì chẳng lạ gì về phẩm hạnh của ông Phiêu và Đỗ Mười!

Tháng ngày trôi đi, qua bao thăng trầm, biến thiên của lịch sử, bao cuộc bể dâu, biết bao đầu rơi máu chảy, biết bao người con ưu tú của đất mẹ chịu cảnh tù tội bất công, phi nhân tính, ta mới nhận ra câu nói ấy từ miệng Đỗ Mười là đúng. Là nó đúng ở chỗ giống "mạt cưa, mướp đắng" một phường! Đúng là nó đúng ở chỗ "mèo mả gà đồng" một lũ!

Nhìn lại cuộc đời ông Phiêu, ai cũng thấy là một kẻ bất tài, thất đức. Nhưng ông lại thích thể hiện mình, cố làm cho mình nổi trội giống như ông khoe rằng ông đánh trận Làng Vây! Thực tế là ông có phải là người xung trận đâu. Nhưng bằng cách nào đó mà ông leo cao thế trong đời binh nghiệp thì Chúa mới biết ! Rồi để làm cách nào mà ông leo tới hàng "top ten" trong bộ máy cộng sản Việt Nam thì chính bộ máy đẻ ra ông cũng bó tay.

Tôi chỉ là một công dân mù loà do di chứng của chiến tranh, đang ngồi gõ từng con chữ mà dàn dụa nước mắt để viết những dòng này về đồng đội Lê Khả Phiêu, rằng tôi không thể hình dung được Lê Khả Phiêu dám cầm bút viết Mênh mông tình dân một cách trắng trợn đến vậy! Tôi không hiểu được một người tuổi đã cao, ở đỉnh cao, trưởng ban chống tham nhũng lại phô bày: ngà voi, trống đồng la liệt, tượng đồng, tượng bạc, vườn treo Babylon chuyên dụng để trồng rau! Có lẽ ngày xưa Trần Dân Tiên vì chưa có internet nên phải tự tung hô bằng cách ấy chứ giờ đây mà ông Phiêu tự viết sách để đánh bóng thì thật là ngớ ngẩn! Nếu ta chịu khó đọc sách về các loài động vật, những tập tính của loài sói là thường đánh dấu bằng các bãi nước đái! Phải chăng những tàn dư ấy, bản năng chinh phục ấy còn rơi rớt lại trước khi đêm tàn đã buông tấm màn lạnh để mở ra một ngày mai DÂN CHỦ đầy tươi sáng?

Thiết nghĩ, nếu ông Phiêu có tấm lòng “mênh mông tình dân” thật thì ông đã không xây biệt thự ở phố Nhà Binh tới 5 triệu đôla, càng không thi thố trêu ngươi đối thủ bằng cách khoe cuộc sống xa hoa truỵ lạc khác xa bản chất của những người cộng sản chân chính vậy! Hơn ai hết, ông Phiêu biết tài sản của ông do đâu mà có, bao nhiêu khách sạn, bao nhiêu của nổi của chìm... do đâu mà có. Phải chăng đó là mồ hôi và nước mắt của đồng đội, đồng bào ba miền đất nước thân thương của chúng ta? Phải chăng tài sản ông có được là do một phần tiền thuế của dân? Phải chăng tiền ODA đã qua tay đàn em chạy lòng vòng để vào túi những người tha hoá như ông?


Các dòng sông đã chết, mùi hôi thối mênh mông!

Chắc bạn đọc đều thấy, đất nước ta có hàng triệu gia đình nghèo khổ dưới mức trung bình, nhiều gia đình liệt sĩ bị bần cùng hoá, nhiều con em bị đầu độc vì ô nhiễm môi sinh, nhiều bà mẹ anh hùng đói rách, không con cái, một đất nước chính phủ phải phát chẩn ngày giáp tết, nhiều người chọn gầm cầu, xó chợ làm chỗ nương thân, hàng ngàn trẻ em lang thang cơ nhỡ, hàng vạn các em gái Việt Nam xếp hàng cho đồng loại chọn giống hoặc làm nô lệ tình dục ở Nam Hàn, Đài Loan...! Mênh mông tình dân lại trớ trêu vậy thay, hỡi ông nguyên Tổng Bí Thư!... Trường học, bệnh viện, đường sá, cầu cống sụt lở hoen ố! Các dòng sông Hà Nội đã chết, mùi hôi thối mênh mông. Hà Nội những đêm trở gió là những đêm thối mênh mông. Đi trên đường mang tên thi sĩ Nguyễn Du ngày xưa ngát mùi hoa sữa, thì bây giờ đêm trở gió là mênh mông thối, tưởng chừng mùi xú uế thấm sâu trong tận đáy tâm hồn (!). Hà Nội những ngày nước ngập là những ngày Hà Nội bị thối mênh mông! Chẳng lẽ khi ông Phiêu nhờ người viết hay ông tự viết cái Mênh mông… kia lại không hề nghĩ đến những bi kịch này? Sáng ra, năm cửa ô tràn ngập chợ người, với gương mặt hốc hác, hí hửng chực việc làm, chiều về với nỗi lòng thất vọng, người dân quê chửi bới, nguyền rủa mênh mông năm cửa ô theo chiều ngược lại. Chẳng lẽ ông không thấy "Cây hàn thử biểu" này cho biết cơn sốt kịch phát tất yếu sắp nổ ra hay sao? Nếu ông còn lương tâm, tỉnh táo, hãy tìm toa thuốc ở xã hội dân chủ văn minh. Không một ông bác sĩ nào chữa bệnh bằng cách bóp cổ và còng số 8. Nhất là ung thư giai đoạn cuối.

Đã đến lúc người làm vườn dọn dẹp lại mảnh đất của mình, mọi cây sâu trái thối đều bị vất bỏ dù anh tá điền ấy là Trung Cộng, Bắc Hàn, Cuba...! Mọi gian hùng xảo trá đều bị phơi ra dưới ánh sáng mặt trời. Bánh xe Dân chủ đã lăn trên con đường cao tốc liên thế giới và đã vào cua với tốc độ mới, thì với một cuốn sách ngốc nghếch ấy liệu có níu giữ phần nào? Cũng như dùng mưu sâu chước hiểm để đè bẹp nó? Hãy sám hối trước nhân dân và lịch sử, hãy đưa bàn tay trung thực bắt tay ôn hoà giữa đồng bào mình, hãy tung hoa tươi vẫy chào con tàu Dân Chủ vào ga Hà Nội. Đấy mới chính là MÊNH MÔNG TÌNH DÂN đích thực.

Đêm 03-02-2009
Chương Dương
[*] Tựa đề quyển sách (!) mang tên tác giả Lê Khả Phiêu.
Nguồn: Thông Luận


Mênh mông tình dân

(ĐCSVN)- Nhân dịp kỷ niệm 64 năm ngày thành lập QĐND Việt Nam, Nhà xuất bản Chính trị Quốc gia cho ra mắt bạn đọc cuốn sách “Mênh mông tình dân”. “Mênh mông tình dân” tuyển chọn một số bài đã đăng trên Báo Nhân dân từ 1997 đến 2008 của nhà báo Thanh Phong, nguyên Vụ trưởng, Trưởng ban Xây dựng Đảng, Báo Nhân dân, phóng viên cao cấp chuyên đi công tác viết, phản ánh hoạt động của nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu.

Chỉ với 42 bài báo trong gần 300 trang sách và với lối viết giản dị, gần gũi dễ gây ấn tượng, “Mênh mông tình dân” đã phản ánh sinh động, chân thật, tinh tế và sâu sắc về những chuyến đi công tác của đồng chí Lê Khả Phiêu đến với dân, với cơ sở, cơ quan, đơn vị và nhiều nước ở Châu Á, Châu Âu.

Từ “Anh bộ đội cụ Hồ trở thành Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam từ cuối năm 1997 đến tháng 4/2001, đồng chí Lê Khả Phiêu, người học trò nhỏ của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã học được nhiều điều quý giá về phẩm chất, đạo đức của Bác Hồ kính yêu. Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn tâm niệm: Đảng lo cho dân lúc dân khó khăn vừa là trách nhiệm, vừa là nghĩa vụ, vừa là nghĩa cử đền ơn đáp nghĩa công ơn của dân đối với Đảng, là công ơn sinh thành. Đồng chí Lê Khả Phiêu được nhân dân, cán bộ, chiến sỹ quý mến từ lúc còn là Tổng Bí thư của Đảng cho tới hiện nay, bởi đồng chí là một tấm gương về người lãnh đạo gắn bó, gần gũi, chia sẻ nỗi buồn và niềm vui với mọi người và trong con người đồng chí lúc nào cũng mênh mông tình dân.

Chuyến đi công tác đầu tiên sau khi nhậm chức Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu vào thăm đồng bào Cà Mau, Cần Thơ bị cơn bão số 5 tàn phá và thăm Quân khu 9 và Khu chế xuất Tân Thuận, Thành phố Hồ Chí Minh. Chuyến đi thăm và làm việc đầu tiên của đồng chí Lê Khả Phiêu vào những ngày nhân dân cả nước chuẩn bị tiễn “ông Công, ông Táo chầu Trời”, đón mùa xuân mới. Với bài báo “Lúc này cần có mặt của chúng ta”, tác giả đã phản ánh những bước chân của đồng chí Lê Khả Phiêu đến với bà con đất mũi Cà Mau “Không nghi lễ ồn ào, ngay khi xuống sân bay Cà Mau, đồng chí Tổng Bí thư yêu cầu được đến thăm một xã vừa bị thiên tai nặng”… và “giữa nắng trưa của đất mũi, đồng chí đã cùng lãnh đạo địa phương đi thăm nhiều gia đình ở xã mang tên người anh hùng chống Mỹ cứu nước Lý Văn Lâm. Thăm gia đình mẹ Việt Nam anh hùng và các gia đình thương binh, gia đình nghèo vừa qua cơn bão số 5. Đồng chí Tổng Bí thư hỏi han từng người về thiệt hại, sức khỏe và ôm mẹ Việt Nam anh hùng Lê Thị Mười có 4 con trai là liệt sĩ, nói trong xúc động: “Hồi đó con cũng ở chiến trường này đây, con cũng là đồng đội của các anh ấy”. Trong chuyến thăm đất mũi, đồng chí Lê Khả Phiêu vui mừng thấy nhiều cán bộ, đảng viên đã bỏ việc nhà, lo cho dân trong cơn bão, thể hiện tính tiên phong, gương mẫu của đảng viên, đồng chí nói “dân mình đại lượng và công bằng lắm, chỉ cần ta trung thành với dân, biết vì dân thì không bao giờ dân quên ơn Đảng”.

Tháng 11/1999, thiên tai ác liệt lại đến với đồng bào miền Trung, cơn “đại hồng thủy” tàn phá các tỉnh từ Quảng Bình đến Bình Định. Tác giả viết bài “Trọn tình đồng chí, trọn nghĩa đồng bào” ghi chép lại hình ảnh Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu đến với đồng bào, đồng chí miền Trung trong lúc khó khăn gian khổ chống chọi với thiên tai. Sáng 14/11/1999, sau khi làm xong nghĩa vụ công dân, bỏ phiếu bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa IX tại phường Giáp Bát, Hà Nội, đồng chí Lê Khả Phiêu đi thẳng vào miền Trung. 10h30’ cùng ngày, đồng chí đã đến Phú Bài, Thừa Thiên Huế và lên xe dã chiến đến ngay Thuận An (Phú Vang) nơi biển nước hung dữ từ thượng nguồn sông Hương đổ về xé làng, mở thêm hai cửa mới, đẩy 61 hộ gia đình, đồng bào ra biển”. Đồng chí Lê Khả Phiêu quần sắn đến đầu gối, mình mặc áo phao, đầu đội mũ cối đi xăm xăm trong biển nước như một chiến sĩ đi cứu dân trong cơn đại hồng thủy. Đến với đồng bào, đồng chí lúc khó khăn, gian khổ mới thật sự trọn tình đồng chí, trọn nghĩa đồng bào. Sau khi đến với nhiều gia đình bị nạn và lắng nghe họ tâm sự, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta xúc động, không cầm nổi nước mắt, đồng chí Lê Khả Phiêu đã bàn ngay với lãnh đạo địa phương “Phải dồn sức lo cho bà con ổn định sớm. Không phải chỉ lo ổn định chỗ ở, bữa ăn hàng ngày, mà cùng với việc trước mắt, phải tính đến việc ổn định lâu dài cho bà con. Đảng và Chính phủ không được để cho người dân nào đói, bị ốm đau, không có nhà ở. Đó là trách nhiệm của các đồng chí, những người cộng sản trong cuộc chiến đấu này”.

“Về với cội nguồn” quê Bác, Thanh Hóa; về với đất tổ Hùng Vương, về với đền Đô, Bắc Ninh; lên Tây Bắc và Đông Bắc; về với nông dân ngoại thành Hà Nội; đến với khúc ruột miền Trung; về với vùng lúa Thái Bình, vùng biển Hải Phòng; đến với thầy trò nhiều trường đại học và các cháu thanh thiếu niên nhi đồng; vào với dân ở thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long và với tấm lòng của một người anh lớn đối với người làm báo…. ở đâu Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu cũng đến với dân trước, nghe dân nói và đối thoại trực tiếp với dân có lý, có tình, sau đó mới gặp lãnh đạo địa phương, đơn vị. Đi thực tiễn, nắm thực tiễn, nghe hết ý dân, thấu hiểu lòng dân là phong cách của đồng chí Lê Khả Phiêu, thể hiện sâu sắc quan hệ máu thịt của Đảng với dân. Chỉ có như vậy Đảng ta mới có chủ trương, đường lối, chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân…

Trong “Mênh mông tình dân”, tác giả đã chọn 14 bài viết đăng trên Báo Nhân dân ghi lại những chuyến viếng thăm của đồng chí Lê Khả Phiêu đến các quốc gia: Trung Quốc, Lào, Cuba, Campuchia, Pháp, Italia. Bài “Hà Nội-Bắc Kinh đậm đà sắc xuân, thắm tình đồng chí” và “Tình nghĩa Tứ Xuyên” đã phản ánh chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và đoàn đại biểu cấp cao của Đảng ta theo lời mời của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Giang Trạch Dân “khi hương sắc Tết Kỷ Mão vẫn còn đọng lại trên phố phường Hà Nội”. Kết quả chuyến thăm Trung Quốc lần này “chúng ta vui mừng nhận thấy các vấn đề mà hai bên quan tâm đều được thảo luận cởi mở với sự thống nhất cao thể hiện qua 16 chữ: Láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai. Chuyến đi thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và tuyên bố chung Việt Nam-Trung Quốc là mốc son lịch sử nâng quan hệ Việt-Trung lên tầm cao mới. Và các chuyến đi thăm của lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước hai nước sau này càng thắt chặt thêm mối quan hệ láng giềng truyền thống, lâu đời, càng làm đậm sắc hơn 16 chữ trong quan hệ Việt-Trung.

“Tình sâu như nước Hồng Hà Cửu Long”, “Thăm Pa Xắc” là hai bài báo tác giả ghi chép về chuyến thăm Lào của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu tháng 3/1998. “Một cử chỉ ngoài nghi lễ khi đồng chí Khăm tày Xi phăn đon tay nắm tay đồng chí Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu nói chân thành: “Cám ơn đồng chí. Được bầu làm Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam, nước đầu tiên đồng chí đến thăm là Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào”. Tiếp xúc với các đồng chí lãnh đạo và nhân dân các bộ tộc Lào, đồng chí Lê Khả Phiêu như gặp được người thân, nói chuyện cởi mở, có lúc bỏ qua những nghi lễ, bởi Việt Nam-Lào là anh em, là tình hữu nghị đặc biệt truyền thống lâu đời. Và như Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu bày tỏ: “Quan hệ Việt Nam-Lào được Chủ tịch Hồ Chí Minh và hai Đảng dày công vun đắp, trải qua biết bao hy sinh, cống hiến của nhiều thế hệ cán bộ, chiến sỹ và đồng bào hai nước, trở thành mối quan hệ mẫu mực, thủy chung, trong sáng và hiếm có, là nguồn sức mạnh, tài sản vô giá và là nhân tố quyết định thắng lợi của sự nghiệp cách mạng mỗi nước… Ngạn ngữ Lào có câu “Ngọc mà không mài thì không sáng”, tình anh em ruột thịt mà không năng gặp nhau thì phai nhạt. Chúng ta sẽ cùng nhau mài giũa viên ngọc quý báu này để muôn đời tỏa sáng lung linh”.

Chuyến thăm Vương quốc Campuchia của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và phu nhân tháng 6/1998 được nhà báo Thanh Phong phản ánh sâu sắc và ấn tượng trong bài “Nồng thắm Phnôm Pênh”. Cả Thủ đô Phnôm Pênh là rừng cờ, rừng người, rừng hoa, cờ đỏ sao vàng, cờ có hình tháp của Campuchia và hàng nghìn nhân dân Thủ đô Phnôm Pênh chào đón đồng chí Lê Khả Phiêu, phu nhân và đoàn đại biểu cấp cao nước ta, thay mặt nhân dân ta đến thăm đất nước Chùa Tháp, thăm những người bạn thân thiết của nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến đấu chống xâm lược, bảo vệ độc lập của Tổ quốc trước đây, trong xây dựng đất nước thống nhất, hòa bình thịnh vượng ngày nay. Điều làm cho các thành viên trong đoàn xúc động là Quốc vương Nôrôđôm Xihanúc và Hoàng hậu Nôrôđôm Moniniết Xihanúc hội đàm riêng với Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và phu nhâm; và sau hội đàm riêng thành công, đích thân “Quốc vương và Hoàng hậu đã trân trọng mời Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu sang phòng nghỉ đặc biệt trong Hoàng cung, mời đi từng phòng, giới thiệu từng chiếc giường nghỉ, phòng tiếp khách và những đồ dùng sinh hoạt riêng. Quốc vương Xihanúc nói chân thành: “Mong Ngài coi đây như nhà của mình, coi sự đón tiếp trọng thị này là biểu hiện nghĩa tình của hai dân tộc”.

Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu trong các buổi tiếp xúc và hội đàm với lãnh đạo Vương quốc Campuchia, mong muốn tình hữu nghị truyền thống lâu dài giữa hai nước và nhân dân hai nước Việt Nam-Campuchia bền vững mãi mãi, truyền nối từ thế hệ này sang thế hệ khác. Tổng Bí thư cho rằng: “Nếu có vấn đề gì, thì với tinh thần đoàn kết, hữu nghị vốn có, là tinh thần tuyên bố chung, chúng ta đều có thể giải quyết được, trước hết ở những đại biểu cấp cao hai nước và lãnh đạo địa phương gặp nhau cùng bàn bạc”. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu và phu nhân là một mốc mới trong lịch sử quan hệ hữu nghị láng giềng truyền thống giữa hai nước, hai dân tộc Việt Nam-Campuchia được mở ra cho tương lai và mai sau. Và như Quốc vương Xihanúc đã khẳng định: “Chúng tôi tự hào vì có được người bạn chiến đấu chống thực dân và chống đế quốc là nhân dân Việt Nam anh hùng” đã chứng minh cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống.

“Mênh mông tình dân” tuy chỉ phản ánh một số chuyến đi thực tiễn thăm của đồng chí Lê Khả Phiêu nhưng tất cả những chuyến đi ấy đã để lại nhiều điều sâu sắc và ấn tượng đối với nhân dân, cán bộ, chiến sỹ cũng như bè bạn quốc tế về một con người, không chỉ là vị lãnh đạo cao cấp của Đảng mà còn là một “Anh bộ đội cụ Hồ” có tác phong giản dị, dễ gần, luôn nghe dân, đối thoại với dân, nhờ đó đồng chí có được những thông tin quan trọng để bàn với Trung ương Đảng và Chính phủ đề ra chủ trương, chính sách phù hợp với nguyện vọng chính đáng của nhân dân và thúc đẩy sự phát triển của đất nước. Đồng chí Lê Khả Phiêu luôn tâm niệm: Mối quan hệ Đảng-Dân là mối quan hệ máu thịt./.

Trúc Thanh
Nguồn: Báo Ðảng