“…Trung Quốc cho rằng đã đến lúc cho thế giới biết Trung Quốc không còn là một đại cường khu vực mà là một siêu cường…”

Hải quân Trung Quốc, còn gọi là "Giải phóng quân Hải quân", là một bộ phận của Quân đội Nhân dân Trung Quốc, gồm có 5 nhánh: binh đội tàu ngầm, binh đội tàu mặt nước, binh đội không quân, binh đội hải quân đánh bộ và binh đội "ngạn phòng". Ngoài ra, lực lượng hải quân Trung Quốc còn có 10 học viện và đại học trực thuộc, nhiều viện nghiên cứu, các binh đoàn bộ đội chuyên môn, và các cục chính trị, cục hậu cần, cục kỹ thuật, và các đơn vị bảo đảm phục vụ và sửa chữa. Lực lượng hải quân được phân chia thành ba vùng : Bắc Hải Hạm Đội, Đông Hải Hạm Đội và Nam Hải Hạm Đội.

Chiến lược chung của hải quân Trung Quốc

Chiến lược chung của quân đội Trung Quốc, còn gọi là "Cương lĩnh quân sự quốc gia cho thời đại mới", gồm có hai phần. Phần thứ nhất là về đổi mới và hiện đại hóa quân đội toàn bộ từ trang bị vũ khí đến cơ cấu và tổ chức. Trong đó, hai vấn đề quan trọng nhất là "chuẩn bị đánh thắng các cuộc chiến tranh cục bộ trong hoàn cảnh công nghệ cao hiện đại" và "chuyển đổi từ một quân đội dựa trên số lượng đến một quân đội dựa trên chất lượng", tức xây dựng một quân đội cơ khí hóa và tin học hóa. Phần thứ hai là các chiến lược hành động, còn được gọi là chiến lược "tích cực phòng ngự" và được coi là cương lĩnh chiến lược tối cao của quân đội Trung Quốc trong thời chiến cũng như trong thời bình.

Chiến lược "tích cực phòng ngự" gồm những điểm sau: chỉ tấn công sau khi bị tấn công nhưng chủ yếu là tấn công; sự phản công không bị hạn chế bởi yếu tố không gian và thời gian; khi tấn công thì bất chấp biên giới; chờ thời cơ và điều kiện thuận lợi để tấn công; khi tấn công thì tập trung hỏa lực vào những điểm trọng yếu của đối phương; chỉ tin dùng lực lượng của chính mình để tấn công đối phương; chiến dịch tấn công và phòng thủ phải tiến hành cùng một lúc.

Trên biển chiến lược "tích cực phòng ngự" mang tên "cận hải phòng ngự" với ba nhiệm vụ chính: kềm chế đối phương từ ngoài khơi và ngăn chặn không cho đổ bộ; bảo vệ chủ quyền quốc gia và sự vẹn toàn lãnh thổ; bảo vệ sự thống nhất quốc gia và quyền lợi trên biển cả.

Xin lưu ý, "cận hải" ở đây là "đến tận những nơi xa xôi trên biển cả mà hải quân Trung Quốc có khả năng đưa các lực lượng đặc nhiệm đến với sự chi viện và an ninh cần thiết". Khu vực cận hải hiện nay gồm hai chuỗi quần đảo : một là khu vực từ quần đảo Kurile, qua Nhật, Philippines, Indonesia (từ Borneo đến Natuna Besar) ; hai là khu vực bắc-nam từ quần đảo Kurile, qua Nhật, Bonins, Marianas, Carolines và Indonesia. Hai khu vực này bao trùm toàn bộ khu vực Biển Đông của Trung Quốc và vùng biển Đông Á.

Mục tiêu của chiến lược "tích cực cận hải phòng ngự" là "để khẳng định Trung Quốc là một cường quốc khu vực trên biển để bảo vệ các khu vực kinh tế duyên hải và các quyền lợi trên biển, và để tối ưu hóa các chiến dịch tác chiến của hải quân cho quốc phòng". Nhiệm vụ của hải quân Trung Quốc hiện nay là trấn thủ các hải đảo, bảo vệ cũng như phong tỏa các đường giao thương trên biển khi cần.

Trung Quốc mua lại hàng không mẫu hạm của Nga (Varyag) Nguồn:www.centurychina.com

Chiến lược này gồm hai giai đoạn. Giai đoạn đầu được gọi là "chiến lược phòng ngự tích cực vùng nước màu xanh lục", bao gồm một hình cung từ Vladivostok ở phía bắc đến eo biển Malacca ở phía nam, và ra đến "chuỗi quần đảo thứ nhất" (Aleutians, Kuriles, Ryukyus, Đài Loan, Philippines, và quần đảo Greater Sunda) ở phía đông. Giai đoạn hai là mở rộng vùng hoạt động sang "chuỗi quần đảo thứ hai" (Bonins, Guam, Marianas và quần đảo Palau) vào giữa thế kỷ 21. Trong tương lai, hải quân Trung Quốc sẽ mở rộng hoạt động đến các căn cứ ở Myanmar để có thể đi từ eo biển Malacca đến Vịnh Bengal.


Cho đến cuối thập niên 1990, hải quân Trung Quốc có khoảng 268 000 sĩ quan và binh lính, trong đó 25 000 người thuộc quân chủng không quân trực thuộc hải quân và khoảng 7 000 thủy quân lục chiến (thuộc Hạm đội Nam Hải) với 2 lữ đoàn thủy quân lục chiến số một và số 164. Mỗi lữ đoàn có 3 trung đoàn bộ binh, một trung đoàn pháo, một trung đoàn thiết giáp lội nước, và các đơn vị công binh, trinh sát, phòng chống hóa chất và giao thông.

Thiết giáp lội nước 63A (Nguồn:www.centurychina.com)

Thủy quân lục chiến của Trung Quốc được huấn luyện và trang bị đầy đủ các loại vũ khí cần thiết (xe tăng lội nước, các tàu thuyền đổ bộ bay bằng nệm hơi hay bằng quạt gió, xe thiết giáp chở lính, súng đại liên và nhiều loại vũ khí phóng tên lửa khác nhau. Sứ mạng chính của lực lượng này là bảo vệ các hải đảo mà Trung Quốc đã chiếm trên biển Nam Hải. Trong thực tế các loại tàu thuyền đổ bộ của thủy quân lục chiến Trung Quốc còn rất lạc hậu so với các quốc gia khác như Nhật Bản, Úc và Nam Hàn.