Thứ Năm, 12 tháng 3, 2009

CON XIN VÂNG LỜI MẸ DẠY .


LÁ THƯ HAI THẾ HỆ: MỘT ĐỒNG

Tác giả: Hồng Lê

Các con thương mến,

Chuyện kể rằng:

Có người nọ đi lễ Chúa Nhật thường bỏ oi (bỏ chút tiền vào giỏ). Khi Linh mục bắt đầu đọc Kinh Tin Kính, anh đã móc tiền trong túi ra để lựa một tờ… nho nhỏ: thường là 500đ hoặc 1000đ, vì sợ lộn nên anh ta lựa rất cẩn thận. Sau, anh ta cũng thấy bất tiện khi phải lựa tiền trong nhà thờ với nhiều cặp mắt soi mói chung quanh nên anh chọn sẵn một tờ bỏ riêng vào túi áo ngực, đến lúc bỏ oi chỉ cần móc túi ra bỏ thẳng vào oi mà chẳng cần phải nhìn. Một hôm, khi anh bỏ tiền vào oi đồng thời liếc theo tay mình, thì anh bỗng giật mình vì đó là tờ 10.000đ. Lỡ rồi, anh ta đành bỏ vào oi luôn nhưng hôm sau anh cẩn thận hơn khi chọn tiền bỏ oi. Tờ 500đ và 10.000đ giấy rất giống nhau về màu sắc. Thế nhưng, lần sau anh vẫn nhìn theo tay mình khi bỏ oi và rất đỗi ngạc nhiên khi cũng thấy trong tay mình lúc bấy giờ vẫn là tờ 10.000đ. Anh ta tiếc lắm, và nghĩ thầm nếu đã là tờ 10.000đ thì vài tháng mình bỏ oi một lần cũng được. Thế là, mãi đến 3 tháng sau anh mới quyết định chọn sẵn tiền để bỏ oi, và cũng hơi áy náy vì đã lâu mình không bỏ oi nên anh chọn tờ 1.000đ, săm soi rất kỹ lưỡng. Đến lúc bỏ vào oi anh cũng nhìn theo tay mình và, kỳ lạ chưa, bây giờ lại là tờ 100.000đ. Anh hoang mang lắm và quyết định, nếu mình đã bỏ oi 100.000đ thì sang năm mình sẽ bỏ oi lại, nghĩa là mỗi năm một lần cũng đủ… trách nhiệm! Giáp năm, anh lại chọn cho mình một tờ bạc nhỏ với sự kỹ lưỡng thường khi và lần này, anh nhìn thấy tờ 500.000đ khi anh bỏ vào oi. Quá tiếc của, anh quyết định từ lúc ấy không bao giờ anh bỏ oi nữa...

Câu chuyện trên muốn nói với chúng ta một điều: mọi việc chúng ta làm cho Chúa và cho anh em đều rất nhỏ bé. Nếu nó nên trọng đại là vì Chúa muốn nó trọng đại chứ không phải vì tài năng hay công sức của chúng ta. Niềm kiêu hãnh của chúng ta khi nhìn thấy kết quả công việc của mình chính là sự “tiếc của” của anh chàng trong câu chuyện biến ngôn trên. Thay vì chúng ta dấn thân hơn, hy sinh hơn với những kết quả đó, lòng kiêu hãnh và tự mãn đã khiến chúng ta dừng lại để… so đo, tính toán! Thực ra, những người khác có thể đã cống hiến (bỏ oi) nhiều hơn ta, nhưng Chúa đã không biến công đức của họ thành “tờ bạc lớn”.

Viết đến đây, Mẹ chạnh nghĩ có lẽ Chúa Giêsu mới chính là người đầu tiên đưa ra khái niệm về Hệ Nhị Phân (Binary System) làm cơ sở cho việc xây dựng Máy Điện Toán ngày nay. Đối với Chúa, chỉ có TẤT CẢ hoặc KHÔNG GÌ HẾT (1 hoặc 0): “Kẻ có thì được cho thêm, còn đứa không có, ngay cả cái nó đang giữ cũng bị lấy đi”(Lc 19, 26). Người công nhân đầu giờ cũng lãnh 1 đồng mà người công nhân cuối giờ cũng 1 đồng. 1 ĐỒNG hoặc KHÔNG CÓ GÌ! Cái công bằng của Chúa là ở đó: Không đẳng cấp, không thứ hạng. Hai xu của bà góa là TẤT CẢ những gì bà có, còn tiền bạc rủng rỉnh của những người khác là KHÔNG GÌ HẾT vì họ bỏ cái họ dư thừa. Khi chúng ta so đo, tính toán với Chúa chính là lúc chúng ta tìm cái dư thừa của mình để “mặc cả” với Chúa. Chúa Giêsu đã khẳng định điều này một cách dứt khoát: “Của Ceasar, hãy trả cho Ceasar nhưng của Thiên Chúa phải trả cho Thiên Chúa”(Mc 12, 17). Mà chúng ta có mặt trên cõi đời này một cách nhưng không, thì có thứ gì chúng ta có mà không phải là từ Thiên Chúa?

Khi Mẹ nhắc chúng con đi lễ, lại thường nhận được câu: “Còn sớm mà Mẹ! Bây giờ còn đang đọc kinh, bây giờ còn đang tập hát.” Và kết quả là chúng con luôn đi lễ trễ hoặc may lắm là… “Cha ra con vô”. Chúa cho chúng ta mỗi tuần 7 ngày, mỗi ngày 24 tiếng đồng hồ và chỉ “xin” lại của ta 1 giờ rưỡi, cùng lắm là 2 giờ trong một tuần. Thế mà, chúng ta còn… so đo: “Cha này làm lễ lâu, Cha kia giảng dài, Nhà thờ nọ tập hát nhiều…” Như thế, thời gian đi lễ mà chúng con dành cho Chúa chỉ bằng KHÔNG (0). Nặng nề cho chúng con và nặng nề cho cả Chúa, coi như chúng con “mất trắng” 2 giờ đồng hồ vô ích.

Trong Mùa Chay sắp tới, Mẹ hy vọng chúng con sẽ giũ bỏ con người cũ đầy so đo, tính toán để mặc lấy con người mới dấn thân và quên mình. Chúng con hãy chuẩn bị tâm hồn của mình khi đi lễ là vì Tình Yêu chứ không phải vì trách nhiệm; thử tập đến Nhà Thờ trong tâm trạng đến để nghe Chúa nói gì với mình qua Kinh Thánh, qua Lời Giảng của Linh mục, qua lời ca câu kinh và tâm sự với Chúa những phiền muộn ưu tư, cũng như những ước mơ thầm kín của mình. Chúng con sẽ thấy 2 giờ đồng hồ ở Nhà Thờ là quá ít và chúng con cũng hưởng được những giờ phút thú vị ở đó.

Mẹ chúc chúng con nhận được chỉ “1 ĐỒNG” của Thiên Chúa.

Thân mến,

Mẹ

Tác giả: Hồng Lê