Bao giờ mới hết chia đôi?

Nam-Hàn, Bắc-Hàn chia đôi chính là vì Mỹ và Tàu cũng muốn họ chia đôi. Chia kể từ năm 1950, hơn nửa thế kỷ nay; hồi đó, vừa sau Thế Chiến Hai, thế giới bị chia đôi, bởi ảnh hưởng giữa tư-bản và cộng-sản. Giờ đây, sự chia đôi bị biến tướng, thay đổi thành Tiền-Mỹ và Quyền-Tàu. Xin đọc giả cho phép tôi bay lượn với vài suy tư một chút xíu! Vị nào không hạp, hãy nhảy qua khỏi đoạn này, đọc xuống phần bên dưới "Dĩ Thực Vi Tiên", tôi sẽ kể về các món ăn Ðại-Hàn rất hấp dẫn!

Tiền bạc là lối sống của tư-bản Mỹ, nên gọi là Tiền-Mỹ. Quyền lực là lối sống của cộng-sản Tàu, nên gọi là Quyền-Tàu. Hai bác này: "tiền" và "quyền" đang choảng nhau hay cần nhau, tùy thuộc vào thời cơ và vào giới lãnh đạo của cả đôi bên.
Bao giờ mới hết chia đôi?. Nguồn: footloosemoose.com


Muốn ra khỏi cơn khủng hoảng tiền bạc như của Mỹ hiện nay, chính phủ cần vay thêm ba, bốn tỉ USD nữa trong vòng hai ba năm tới. Nhà nước Mỹ phải mang nợ thiên hạ nhiều như vậy để tài trợ và bảo quản cho lối sống sung túc mà ta gọi là "standard of living" (mức sống). Mức sống của tư-bản là phải xài tiền nhiều như vậy. Ăn quen nhưng nhịn không quen! Giới tài-phiệt Mỹ nói khác: "giàu quen nhưng bớt giàu chưa quen".

Ðây là vấn đề của "way of life" (lối sống), của văn hóa, của con tim và khối óc và của suy tư; chứ không phải chỉ thuần vấn đề bao tử và khúc ruột. Sự lựa chọn của nhà lãnh đạo đất nước và sự lựa chọn của nhân dân khác nhau ở mô thức và cấp độ mà người đời gọi là vĩ-mô (macro) hay là vi-mô (micro); nhưng giống nhau ở cách quân bình giữa mức sống và lối sống (giữa kinh tế và văn hóa).

Xứ nào cũng nuôi mộng "dân-giàu-nước-mạnh". Riêng hoàn cảnh xứ Mỹ là "dân-sang-giàu, nước-nợ-ngập-đầu". Vì Mỹ mượn nợ của Tàu cả tỉ đôla, nên các vụ vi phạm nhân quyền của Tàu đều được chính phủ Mỹ gác tạm qua một bên, đâu dám la làng! Lãnh đạo Mỹ đang xài chiến-thuật "biết-rõ-mà-tỏ-ra-khờ" (minh tri cố muội) để tiến tới chiến-lược "vay tiền" của Tàu). Hết tiền thì tiêu tùng! Bên ngoài, Mỹ chỉ còn cách lập mưu thần chước quỷ, xúi mấy chú xứ nhỏ phá đám, bao vây ngầm bác Tàu!

Kể từ ngày Tần Thủy Hoàng-Ðế thiết lập xứ China (Tần-quốc, năm -221) theo dòng họ của mình (âm Chin/Sin nghĩa là Tần); rồi nhà Hán (-202 đến 220) nối gót bành trướng cả vùng trung nguyên Bắc-Á thành Trung-quốc vĩ đại với những mỹ từ Pax Sinica (trật tự kiểu Hoa), Ðại-Hán, vân vân; biểu tỏ thực chất và văn minh Trung-quốc chỉ là lịch sử của sự bá quyền.

Ðến khi Cộng-sản Tây phương du nhập vào Á-châu, Dinh-Chính đời Tần tái hiện dưới hình tướng Mao Trạch Ðông (1893-1976) và Lưu Bang đời Hán tái thế dưới hình tướng Ðặng Tiểu Bình (1904-1997) thì Trung-cộng lại hiện rõ bản chất độc bá thiên hạ thời hiện đại. Nếu trả lại Mãn-Châu, Mông-Cổ, Tây-Tạng, Tân-Cương, Thanh-Hải, xứ Tàu chỉ còn bằng một phần tư. Hai đời lãnh đạo thứ nhất và nhì của Mao và Ðặng đã làm nền tảng vững chắc cho Trung-cộng bành trướng đến ngày hôm nay. Hai tay này chưa bao giờ biết/hay cần đến thể chế chính trị dân chủ liên-bang.

Muốn bành trướng thì phải dùng quyền lực để bó buộc mọi người dân trong xứ tuân theo, nói tóm lại là Trung-cộng thiếu dân-chủ. Còn bên ngoài xứ thì tìm cách lấn áp các lân bang. Trường-Sa, Hoàng-Sa là bằng chứng, nói tóm lại là Trung-cộng bá quyền. Mỹ theo hệ thống mở, dù có vấn đề, nhưng hy vọng còn có thể vượt thoát vươn lên. Tàu ngược lại, đầu đuôi khép kín, khó có thể xoay trở.

Quan sát bề ngoài thấy Tàu giàu mạnh, dư tiền dư của, nhưng bề trong phân phối về sản xuất/tiêu thụ chưa được đồng đều, bất công xã hội tràn lan, hệ thống an-sinh chưa có, ô nhiễm đầy trời, dân tộc lân bang thù nghịch. Không biết các đời lãnh đạo của Trung-cộng trong tương lai (sau đời Hồ Cẩm Ðào) như mấy anh Tập Cận Bình (Xi Jin-ping) và Lý Khắc Cường (Li Ke-quiang) - được học-giả Cheng Li diễn tả như "Nhóm những kẻ kình địch" (China’s Team of Rivals) - có khả năng giải quyết nội bộ ra sao?

Tôi thấy mây đen vần vũ trên cả hai bầu trời Hoa-kỳ và Trung-quốc. Từ lan man này sang lan man khác … Tôi cảm thấy đói và lạnh quá! Nhưng trước khi ăn, tôi cần phải giải thích hai bức hình của hai phiến đá bên dưới đây. Trên đường trở ra từ chiếc Cầu Tự-Do, dọc đường tôi thấy nhiều lời cầu nguyện cho sự thống nhất của Nam-Bắc Hàn và hòa bình cho nhân loại. Tôi cảm kích lắm! Có hai phiến đá nhân tạo thật là to được dựng lên bên đường với những dòng chữ Hàn thật nắn nót.

Ảnh: Tác giả

Tôi nghĩ là những bài văn viết về niềm tin và sự hy vọng. Cô thông dịch Betty Choi đã chạy đâu mất. Chắc là đang đi tìm mấy ông bà du khách đi lạc nơi khác, nên tôi không hỏi han gì được. Nếu bạn nào đọc được Hàn-ngữ xin cho biết nội dung. Tạm thời, tôi xem đó là những lời cầu nguyện tốt đẹp. Tôi sẽ dùng nó để cầu nguyện cho quan hệ Mỹ-Tàu được tốt đẹp hơn; và từ đó, hy vọng sẽ tạo ra bối cảnh thuận lợi để Nam-Bắc Hàn được xum vầy.