Tin Hải Ngoại | |
12/03/2009 | |
Nhã Trân, phóng viên RFA 11.3.2009 -Tổ chức Freedom House hôm thứ Hai 9 tháng 3, 2009 công bố tại Geneve phúc trình thường niên về nhân quyền trên thế giới, trong đó cho hay mức độ tự do của mỗi quốc gia. Nhã Trân lược thuật đánh giá của Freedom House về mức độ tự do tại các nước, đặc biệt tại Việt Nam, đồng thời lấy ý kiến một số người trong nước về tự do ở Việt Nam hiện nay. Xếp hạng của Freedom House Phúc trình mới nhất của Freedom House về tình trạng nhân quyền toàn cầu là kết quả nghiên cứu về các quyền chính trị cũng như dân sự của ngưòi dân thế giới trong năm 2008. Tổ chức quốc tế về dân chủ và tự do này, có trụ sở tại Washington DC, Hoa Kỳ, xếp hạng từng nước xét về mức độ các quyền tự do vừa kể mà người dân được hưởng, tính trong suốt 30 năm từ 1973 đến nay. Bảng xếp hạng về mức độ tự do tại các nước của Freedom House chia toàn cầu ra làm 3 nhóm. Các quốc gia được kể là quốc gia hoàn toàn hay gần như hoàn toàn có tự do trong suốt hơn một phần tư thế kỷ vừa qua có thể kể Hoa Kỳ, Canada, Anh, Đức, Pháp, Nhật, Thụy Sĩ, Thụy Điển, Australia, Italy, Mexico, Nam Hàn, Israel, Áo, Ukraine, Romania, Norway, New Zealand, Mexico, Luxembourg, Ireland, Ấn Độ, Hungary v.v… Các nước chỉ có tự do phần nào gồm Thái Lan, Singapore, Phillipines, Trung Quốc, Iraq, Bangladesh, Iran, Jordan, Qatar…. Các nước bị xem là không có tự do có thể kể Việt Nam, Campuchia và ẢRập Xê-út. Người Việt nói gì? Trong khi tổ chức nhân quyền quốc tế này thẩm định như thế thì người dân Việt có ý kiến gì về mức độ tự do ở Việt Nam? Một giáo chức ở Quảng Nam là ông Bùi Thi nhận xét: “Quyền tự do bầu cử và ứng cử thì tôi thấy chưa có ở Việt Nam mình. Mỗi lần bầu cử thì đi bầu, nhưng ngưòi dân không có quyền tự do lựa chọn những người mà họ muốn, vì dưòng như đã có sự sắp sẵn ở trên từ lâu rồi, nên mình có muốn bầu cho ngừơi nào thì cũng không thể theo ý của mình được. Tôi chưa thấy ai ứng cử. Không biết là cái quyền đó có không mà tôi chưa thấy ai ứng cử. Vừa rồi tôi nghe có một người muốn ứng cử vào quốc hội là luật sư Cù Huy Hà Vũ nhưng rồi sau đó không được.
Nhiều ký giả, blogger, nhà tranh đấu... tiếp tục gặp khó khăn với chính quyền. Tôi thấy không có ai được tự do lập hội. Tất cả đều phải xin phép hết. Không ai có thể lập hội mà không được sự cho phép của nhà nước. Tự do phát biểu ý kiến thì, xét về mặt lý thuyết thì có, nhưng trên thực tế thì không phải là như vậy. Những ý kiến mình phát biểu ra nếu mà ngược lại với ý của cấp trên thì cấp trên ngừơi ta sẽ gây khó khăn cho mình. Không thể có tự do phát biểu được. Các phát biểu phải theo chỉ đạo của trên, mà ngưòi ta đã đề ra trước. Việt Nam theo tiêu đề của nhà nước thì là cộng hòa xã hội chủ nghĩa, độc lập tự do hạnh phúc, nhưng mà trên thực tế thì không được tự do như là các nước Tây Phương. Người Việt Nam chỉ được hưởng một cái tự do trong khuôn khổ đã được huấn luyện, chứ không có được cái quyền tự do phát biểu ý kiến, tự do bầu cử, tự do hội họp. Những quyền đó không có ở Việt Nam.” Xét về chi tiết mức độ tự do ở Việt Nam, nghiên cứu của Freedom House cho thấy trong giai đoạn đầu tiên của thời gian 30 năm này, từ 1973-1975 khi Việt Nam chưa thống nhất, mức tự do của hai miền có khác nhau. Trong 3 năm ấy miền Bắc bị đánh giá là không có tự do; còn miền Nam thì được nhìn nhận là có một phần tự do. Kể từ 1975 sau khi đất nước thống nhất, cả hai miền không có tự do và cho đến nay 2009 Việt Nam bị xem là nước không tự do, ngoại trừ một vài giai đoạn ngắn ngủi kéo dài một vài năm khi các ngăn cấm được nới lỏng chút ít. Chủ một doanh nghiệp tư nhân ở Hà Nội là bà Thùy Hương nhận xét: “Việt Nam chưa có các quyền về chính trị. Điều gì liên quan đến chính trị hay là bầu cử thì đều bị hạn chế. Quyền tự do về bầu cử hay bầu đại diện của một tổ chức vẫn chưa được. Ví dụ như là bầu đại diện phường hay là gì đó, ở Việt Nam mình chưa được. Mình vẫn phải dựa theo tổ chức của mình, chẳng hạn như bầu ủy ban phường, thì họ đưa danh sách ra, và mình có bầu cử đi chăng nữa thì cái người trúng cử cũng không chuẩn. Theo tôi thì các quyền tự do ngôn luận, tự do tư tưởng hoặc là tự do báo chí vẫn còn bị hạn chế. Tự do tín ngưỡng thì lại còn bị hạn chế hơn. Nếu như mình nhìn từ ngoài vào thì thấy như là nhà nước đã mở cửa hay gì đó. Thế nhưng mà thật sự chỉ là mở cửa một phần nào đó thôi, chứ thật sự bên trong thì đang còn có nhiều những cái khống chế. Tất cả người Việt Nam đều muốn, đều mong muốn là có một cái như thế nào đó để người dân được thoải mái hơn. Nói chung là trong đời sống hiện nay, mọi người đều muốn thay đổi”. Báo cáo của Freedom House về tình trạng nhân quyền toàn cầu ghi nhận rằng 2008 là năm thứ ba mà mức độ tự do trên thế giói nói chung suy giảm, nghĩa là các quyền tự do của công dân thế giới có phần bị giới hạn kể từ năm 2006. Dù vậy, có những nước các quyền tự do của ngưòi dân đã bị kềm hãm hoặc giới hạn đến nhiều thập niên trước đó, điển hình là Việt Nam, xứ mà tự do vắng bóng kể từ năm 1975. Một nông gia ở An Giang cho rằng: “Thấy sao mấy ổng toàn đặt để không à. Mấy ổng làm theo ý của mấy ổng không à. Phải do nơi mấy ổng sắp xếp mới được. Ngưòi dân tự ra ứng cử không được. Phải qua Mặt Trận Tố Quốc mới được. Quyền tự do ứng cử thì người dân không được. Cái đó do chính quyền mới được. Tự do lập hội là không được. Phải có ý kiến do mấy ổng đặt ra mới được. Chứ mình đặt ra vấn đề là không được. Việt Nam bây giờ chưa được tự do phát biểu. Phải do nơi chánh quyền. Hội họp thì mấy ổng đề ra ý kiến mới được, chứ mình không có ý kiến riêng được.” Sau phúc trình thường niên về tình trạng nhân quyền toàn cầu, tổ chức cổ súy tự do và dân chủ trên thế giới Freedom House dự kiến công bố báo cáo về những nước tệ nhất trong số các nước bị kể là có thành tích tồi tệ về nhân quyền. | |
Cập nhật ( 12/03/2009 ) |