Giàu có phải là cái tội?
Cái nghèo khổ đeo bám người dân Việt Nam dai dẳng hàng chục năm qua, đặc biệt là từ khi đời ta có Bác và Đảng thì lại càng thấm thía giá trị này hơn bao giờ hết. Ngày xưa nghèo đói còn được cho là một phẩm chất quan trọng để đánh giá nhân cách của một con người. Thậm chí nếu ai đó mà giàu có thì phải xem xét lại, vì sao lại giàu có hơn người khác, tiền bạc hay của cải đó đến từ đâu ra. Cái sự giàu có được gắn liền với khái niệm không trong sáng. Bởi thế nhà nào khá giả có chút của ăn của để thì cũng cố mà dấu diếm cho kỹ kẻo người khác phát hiện ra lại khổ. Ấy là bởi cái sự giàu đã bị coi là một tội lỗi rồi.
Nếu ai sống thời trước năm 1975 tại Sài Gòn hẳn còn nhớ rõ, sau khi Sài gòn rơi vào tay lớp con cháu của Bác từ bắc vào thì cuộc sống người dân hoàn toàn thay đổi so với trước. Những gia đình khá giả có vàng, bạc, đá quí hay đô la đều bị chính quyền tịch thu, sung công và thậm chí là cưỡng chiếm không cần lý do. Những ai muốn làm ăn kinh tế cá thể đều bị lùa vào trong cái chuồng công tư hợp doanh, mà sau một thời gian tự nhiên thấy số tài sản mình đóng góp cứ không cánh mà bay. Còn ở miền bắc thì có Hợp tác xã để làm giàu theo kiểu trống rong cờ mở, sáng đánh kẻng đi làm, chiều chưa kẻng đã chẳng thấy người đâu.
Tôi nhớ lại hồi nhỏ, cách nay mấy chục năm, mỗi khi có bạn bè thân thiết của ông già tới nhà chơi, bà già tất tả đi chợ mua được con gà về làm cơm thì cũng phải lặng lẽ làm gà trong nhà, chớ để hàng xóm thấy kẻo sớm mai đụng những ánh mắt dò xét. Lần nấu nồi bánh trôi trong tiết hàn thực năm ấy. Bữa đó để ý thì thấy mấy ông bà hàng xóm cứ lượn qua lượn lại nhòm ngó một cách kín đáo xem nhà có biểu hiện gì bất bình thường hay không. Mà cái xóm ấy toàn là những bậc trí thức cán bộ nhà nước.
Lại nhớ tới cái thời ngày xưa ấy, gạo không đủ ăn, nhà có 4 người ăn, mỗi bữa chỉ dám đong miệng bơ gạo, còn lại thì phải độn thêm lon mì sợi, nguồn hàng do các nước Đông âu viện trợ. Thức ăn chỉ có đĩa rau muống và bìa đậu phụ quốc doanh. Ấy vậy là còn may lắm đấy nhé, chứ người ở nhà quê lấy đâu ra tiêu chuẩn cao cấp của dân thành phố như vậy, phải là cán bộ nhà nước mới có tiêu chuẩn đó.
Rồi cuối cùng cái cảnh sống dở chết dở ấy cũng phải qua, khi khủng hoảng kinh tế không cho phép người ta giáo điều hơn được nữa. Đảng cộng sản bắt buộc chấp nhận mở cửa kinh tế, thi hành chính sách kinh tế thị trường “định hướng XHCN” để tự cứu lấy bản thân mình. Bỗng chốc dân tình từ cảnh thoi thóp nằm chờ chết chuyển sang trạng thái chết đuối vớ phải cọc. Và thế là người người lo làm giàu, nhà nhà lo làm giàu, họ làm giàu bằng mọi cách và bằng mọi giá. Nghĩ cũng phải thôi, bấy lâu nay bụng đói, mắt hoa, quần chùng, áo rách, nếu không lo bươn chải làm ăn thì lấy gì đổ vào miệng, lấy gì nuôi con cái, lấy gì mà sinh tồn.
Thời thế thay đổi thì quan niệm cũng theo đó mà thay đổi. Giờ đây giàu không phải là cái tội nữa. Giàu có là thước đo đánh giá sự thành công của một con người, là thước đo đánh giá địa vị xã hội của bản thân. Tiếc thay người ta làm giàu lại không trên qui định của luật pháp mà thay vào đó là khả năng “lách luật” giỏi cỡ nào. Nếu nói dân mong muốn làm giàu thì đó là điều chính đáng, nhưng quan cũng thích làm giàu, mà là phải cực giàu cơ. Tiền kiếm được không giống ngày xưa phải cho vào tủ cất kỹ, thì nay các vị cứ phải mang ra xây nhà to, mua xe đẹp để cho dân tình lác mắt thán phục.
Cao cấp hơn chút nữa thì lên tới các vị lãnh đạo nhà nước. Chẳng phải nhìn đâu xa, cứ xem cái nhà thờ họ ở Kiên Giang của đương kim thủ tướng Dũng thôi thì cũng thấy trị giá hàng chục tỉ đồng. Nếu chỉ căn cứ đơn thuần vào mức lương hệ số 10 theo qui định và nhân với 540.000 đồng thì hàng tháng ông cũng chỉ nhận được có 5,4 triệu đồng, và nếu có tính thêm cái tiền ăn trưa ở cơ quan cho ông khoảng 500 ngàn thì cũng chỉ suýt soát 6 triệu đồng mà thôi. (mới đây có thông tin từ 1/5/’09 lương tối thiểu tăng lên 650.000 đồng). Vậy thì nguồn tài chính cho cái nhà thờ họ của ông, cơ ngơi ông, con cái ông du học bên Mỹ lấy ở đâu ra. Ông Dũng, người được Đảng giao làm trưởng ban chỉ đạo chống tham nhũng TW đã thế, các ông khác nào có kém gì. Nếu ta cứ cố công vắt óc tìm hiểu, không khéo lại điên cái đầu mất.
Chỉ biết rằng nếu tính theo chuẩn nghèo mới của LHQ đưa ra là thu nhập dưới 2 đô Mỹ/ngày thì tỉ lệ xóa đói giảm nghèo của VN thậm chí còn tụt hạng nhiều so với trước đây. Và thậm chí không chỉ dân nghèo ở quê mới bị liệt vào hạng này mà giới công chức ăn lương của nhà nước cũng khối anh có tình cảnh chẳng khác nào nông dân nghèo vượt khó.
Nhưng thôi, mặc ai nghèo thì cứ nghèo, ai kiếm được thì cứ cố mà kiếm, kiếm được bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Ai biết được ngày mai còn kiếm được không. Chẳng phải vậy mà chúng ta hay được nghe câu nói “hy sinh đời bố, củng cố đời con” trong cuộc sống hàng ngày đó sao.
Quan mắc bệnh khoe của còn dân cũng thích phô trương. Đi cái xe thì phải thật đẹp, bất luận cái xe đó cao gấp mấy lần giá trị thực. Chẳng thế mà theo thống kê thì năm vừa ra cả nước Việt Nam nhập khẩu tới mười mấy cái xe Rolls Royce, trong khi đó thì Thái lan nhập có 2 chiếc. Chả nhẽ ở Việt Nam này lại nhiều tỷ phú hơn Thái lan? Biết đâu đấy. Tiền kiếm được bằng cách gì không rõ, nhưng thỉnh thoảng lại thấy lên ti vi đấu giá cái này, mua đắt cái kia để ủng hộ từ thiện chi đó, vừa được tiếng lại vừa được quảng cáo vinh danh. Sướng quá còn gì.
Giàu, có tiền chơi nổi thì cũng ra một lẽ, đàng này nghèo cũng muốn đú đởn thì quả là đáng thương. Được biết có nhà chị kia nhà cửa không lấy gì làm dư dả, thấy chiếc xe máy người ta đi ngoài đường thời trang và đẹp quá khiến đêm về nằm mất ngủ. Thích thì thích vậy, nhưng khổ nỗi không có tiền. Suy đi tính lại chị quyết định bán nhà để rước cái xe đó về làm le với thiên hạ. Xe có rồi thì nhà lại mất, thế là cả gia đình lại lếch thếch dắt nhau đi mướn nhà trọ để ở. Cám cảnh.
Đói khổ bao nhiêu năm, giờ mở cửa thì đua nhau sống như thể sống gấp, sống không biết tới ngày mai. Giàu vì bạn, sang vì vợ nên ai cũng thích giàu, ai cũng thích sang cả, bởi thế chả từ thủ đoạn nào để làm tiền. Quan chức sử dụng địa vị, ảnh hưởng, quyền lực để bắt doanh nghiệp cống nạp, dân doanh cấu kết với cán bộ nhà nước để kiếm hợp đồng, móc ngoặc, trốn thuế, mánh mung, tham ô, hối lộ…thôi thì đủ cả. Cứ xem bảng xếp hạng của tổ chức minh bạch thế giới thì đủ thấy Việt Nam ta đứng ở hạng nào rồi.
Muốn có tiền bằng mọi giá làm cho con người ta hoa mắt, u mê, mụ mẫm. Tình cảm cha con, anh em, vợ chồng, láng giềng chòm xóm trở nên xa cách và mong manh. Người ta sẵn sàng vác dao đâm chém nhau chỉ vì tranh giành mấy chục cm2 đất nhà liền kề. Người ta vì tiền sẵn sàng bán rẻ bạn bè một thời ấu thơ, người ta vì tình mà sẵn sàng đánh đổi người bạn đời cho dù có đầu gối tay ấp bấy lâu. Thời buổi này nói tới thứ tình bạn trong sáng, không vụ lợi, không nhờ vả thì quả là hiếm như sao mai buổi sớm.
Một xã hội đang từ đói khát cùng cực chuyển sang mở cửa thì cũng có lắm kẻ nhanh nhạy nắm bắt thời cơ, biết “tranh thủ”, “tận dụng” những “ưu thế” để tạo thanh thế và quyền lực…ngược lại không ít người tử tế nhưng khù khờ, chậm chạp không nắm được những lợi thế, “quan hệ” hoặc từ chối cho lòng thanh thản thì đành chấp nhận những thiệt thòi, bất bình đẳng do cơ chế mang lại. Điều đó cũng khiến khoảng cách giàu nghèo ngày càng nới rộng, gây bất ổn định xã hội . Thế nên mới có nơi kẻ ăn không hết thì cũng có nơi kẻ lần không ra.
Ai đó nói rằng “Giàu đi xe hơi uống bia ôm, nghèo đi xe ôm uống bia hơi” quả cũng không sai. Thói thường người đời kiếm tiền ra để hưởng thụ, còn nghèo thì đành chấp nhận vậy, cơ mà có tiền rồi thì cũng lại lao vào cảnh ăn chơi, hưởng lạc cho tàn đời. Ai biết được. Thôi thì đành lấy câu “ai giàu ba họ, ai khó ba đời” làm sự an ủi, tự động viên mình. Lại nghĩ biết trông vào ai bây giờ.
Bố mẹ đẻ con ra phó thác gần như hoàn toàn cho nhà trường và xã hội, bản thân mải mê làm giàu. Con cái được nuông chiều hưởng thụ đâm sinh tính lười nhác và coi thường người khác. Tiền của do bố mẹ lao động bằng mồ hôi, nước mắt và thậm chí là mánh mung, tham nhũng mang về rồi lại bị đám con cái tiêu pha vôi lối, của cải chẳng mấy chốc lại ra đi. Âu cũng là cái sự giàu sổi, giàu nhanh thì nó phải trả giá như vậy một khi cái gốc của con người đã bị đánh mất. Bởi vậy cũng không quá lời khi nói ở Việt Nam “giàu không quá hai đời”.
Đồng tiền làm ra bằng mồ hôi, nước mắt quả là đáng quí, đáng trân trọng. Những đồng tiền kiếm được bằng cách bất chính không sớm thì muộn cũng lại của thiên trả địa và trôi cùng theo đó là nhân cách con người.
Xét cho cùng nghèo không phải là cái tội và càng đúng hơn khi nói giàu cũng phải là cái tội. Cái tội ấy nó chỉ nằm ở chỗ giàu có từ sự bất chính, bất minh, bất nhân và bất nghĩa. Đồng tiền kiếm được dựa trên sức lao động thật sự thì khi tiêu dùng con người ta cũng trân trọng nó hơn. Người ta sẽ không ném tiền một cách lãng phí xa hoa vào những trò tiêu khiển rẻ tiền, những thú vui vô bổ, và như vậy xã hội cũng sẽ ít tệ nạn hơn so với hiện nay.
Không một quốc gia nào có thể giàu có trên cơ sở người dân nghèo đói, dân có giàu thì nước mới mạnh. Chúng ta mong ước một đời sống ấm no, thịnh vượng, người dân cống hiến sức lao động cho xã hội và đổi lại có một cuộc sống vật chất và tinh thần đầy đủ. Cái xã hội mong ước đó nhất định phải được xây dựng trên nền tảng một nhà nước pháp quyền, dân chủ. Khi ấy mọi sức lao động, đóng góp được phát huy một cách tích cực, chủ động và tự giác. Người ta sẽ không phải làm giàu bất chính nữa, người dân sẽ không phải quỵ lụy cửa quan, con người sẽ không phải sống giả dối để lừa lọc lẫn nhau. Thay vào đó là một xã hội có luật pháp minh bạch, người dân được toàn quyền phát huy trí tuệ, sức sáng tạo để xây dựng cho bản thân mình và cũng là cho xã hội cộng đồng một cuộc sống tốt đẹp hơn.
8/4/2009
Dongsongxanh
Nguồn: Dongsongxanh
Một số hình ảnh Hà Nội thời bao cấp